Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

VÀI CHUYỆN THIỀN

From: Huy Nguyen*Nhut Dinh
CỦ CÀ-RỐT NẦY LÀ CỦA TÔI!

Một bà già qua đời và được các thiên thần đưa lên Toà Phán Xét. Nhưng khi xem xét hồ sơ, Vị Thẩm Phán không tìm ra một hành vi bác ái nào của bà, ngoại trừ một lần kia bà đã cho một người ăn xin đang đói một củ cà-rốt.
Tuy nhiên, hiệu năng của một hành động yêu thương như thế cũng đủ cho bà lên thiên đàng bằng sức mạnh của củ cà-rốt đó. Củ cà-rốt được mang lên trước toà án và đưa cho bà. Lúc bà cầm lấy củ cà-rốt, nó bắt đầu bay lên như được kéo bởi một sợi dây vô hình, và bà được kéo theo lên trời.

Một người ăn xin xuất hiện. Anh bám lấy cái gấu áo của bà và cũng được nhấc lên theo. Một người thứ ba nắm chân người ăn xin và cũng được nhấc lên. Chẳng bao lâu, có một dây dài ngoằng những người được đưa lên thiên đàng bởi củ cà-rốt đó.
Và lạ lùng thay, bà già không cảm thấy sức nặng của tất cả những người đó đang bám theo bà. Trên thực tế, từ khi bà nhìn lên trời, bà không thấy họ.
Họ càng lúc càng lên cao cho tới khi gần đến cửa thiên đàng. Lúc bà già cúi xuống nhìn trần gian lần cuối cùng, bà thấy cả một đoàn người bám theo bà.
Bà tức giận! Bà vẫy mạnh tay và quát: “Buông ra! Tất cả buông ra ngay! Củ cà-rốt này là của tôi!
Khi vẫy tay mạnh như thế, bà buông củ cà-rốt ra một lúc – và bà rơi xuống với cả đoàn người.
* * * * *
“Cái này thuộc về tôi!”
Đó là nguyên nhân duy nhất cho mọi sự dữ trên đời

   ***
 ÔNG CHINH (CHING) ĐÓNG CÁI GIÁ CHUÔNG

Một người thợ chạm gỗ tên Chinh vừa mới đóng xong cái giá treo chuông. Ai trông thấy đều kinh ngạc xem như đó là công trình của thần thánh. Khi Lỗ Công (Duke of Lu) xem thấy liền hỏi: “Anh là bậc thiên tài như thế nào để có thể làm được sản phẩm như vậy
Ông thợ chạm gỗ trả lời: “Thưa ngài, tôi chỉ là một người thợ tầm thường. Tôi không phải bậc thiên tài. Chỉ có một điều là, khi tôi sắp đóng cái giá chuông, tôi tĩnh toạ trong ba ngày để an định tâm trí. Khi tôi đã tĩnh toạ trong ba ngày, tôi không còn tưởng tới tiền thưởng hay tiền thù lao.

Khi tôi đã tĩnh toạ trong năm ngày, tôi không còn tưởng tới lời khen hay tiếng chê, sự khéo tay hay vụng về.

Khi tôi đã tĩnh toạ trong bảy ngày, bỗng nhiên tôi quên tay chân, mình mẩy; à không, tôi quên chính cái tôi. Tôi không còn ý thức về những gì bao quanh tôi. Chỉ còn lại tay nghề của tôi mà thôi.

Trong tâm trạng đó, tôi đi vào rừng và xem xét từng thân cây cho tới khi tôi lựa được một cây mà tôi thấy nơi nó cái giá chuông hoàn hảo. Rồi thì đôi bàn tay tôi tra vào việc.

Khi để bản ngã sang một bên, tự nhiên gặp gỡ tự nhiên trong công trình được thực hiện qua tôi. Chắc chắn đó là lý do tại sao mọi người nói rằng sản phẩm hoàn tất là công trình thần thánh.

* * * * *

Một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng trên thế giới đã nói về sự thành công của mình khi biểu diễn bản Khúc hòa tấu cho Vĩ cầm của Beethoven như sau: “Tôi có một bản nhạc tuyệt vời, một cây đàn vĩ cầm tuyệt vời, và một cây cung kéo đàn tuyệt vời. Tất cả những gì tôi cần làm là phối hợp chúng lại với nhau còn tôi thì tự rút lui.”



AI LÀ MA-RÚP KA-KHI (MARUF KARKHI)?

Một đệ tử đến với ngài Ma-rúp Ka-khi (Maruf Karkhi), vị đạo sư Hồi giáo, và nói: “Con thường nói với người ta về thầy. Người Do Thái nói thầy là một người của họ. Kitô hữu xem thầy là một vị thánh của họ. Và tín đồ Hồi giáo coi thầy như là vinh quang của đạo Hồi.
Ngài Ma-rúp đáp lại: “Đó là điều mà họ nói ở Bá Đa (Baghdad) này. Khi ta ở Giê-ru-sa-lem (Jerusalem), người Do Thái gán cho ta là Kitô hữu, người Kitô gán cho ta là người Hồi giáo, và người Hồi giáo gán cho ta là người Do Thái.
Vậy thì chúng con phải nghĩ về thầy như thế nào?
Hãy nghĩ ta như là một người tự nói về mình như thế này : Ai không hiểu ta thì tôn sùng ta. Ai rủa sả ta thì cũng chẳng hiểu ta nữa.”
* * * * *

Nếu bạn nghĩ bạn là con người như thân hữu cũng như kẻ thù nói về bạn, rõ ràng bạn không biết chính bạn