Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Hoạ sư LÊ PHỔ

Frm: Huu Dinh Nguyen
Nhớ một ngày xuân
Hoạ sư Lê Phổ đến thăm

Thi Vũ
Tết ấy năm 1988, Hoạ sư Lê Phổ vào tuổi 80. Một buổi sáng chuông điện thoại reo. Anh Lê Phổ ở bên kia đường dây : “Anh Thi Vũ khoẻ không ? Tôi muốn lên toà soạn mua một ít thiệp xuân, lúc nào anh rỗi ?”. - Trời ơi, anh đi chi cho xa, để tụi này mang thiệp xuống cho anh dùng. Lúc nào tiện cho anh ?  - “Không.Tôi lên thăm toà soạn luôn”. 
Lepho 10
Lepho 1
bức tranh sơn dầu Lê Phổ tặng Thi Vũ

Những năm ấy tạp chí Quê Mẹ gặp khó. Sáu năm trước đó, nhà in chúng tôi bị tịch biên gia sản vì thiếu nợ thuế của nhà nước Pháp. Thiếu nợ vì đổ xô hoạt động cho con Tàu Đảo Ánh sáng ra Biển Đông vớt người Vượt Biển cuối năm 78 sang năm 79.
Để góp tiền hoạt động chúng tôi in Thiệp Xuân bán trong dịp Tết. Thông qua thiệp giới thiệu hội hoạ Việt Nam. Nhiều tên tuổi như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Mạnh Quỳnh, Bùi Xuân Phái... Anh Lê Phổ cám cảnh ngộ chúng tôi viết giấy cho phép in tất cả những bức tranh nào của anh mà chúng tôi thích.
Cái phép quí giá như thế, mà nay tác giả lại xin đến mua thiệp xuân tranh mình để chúc Tết bạn bè ? Tấm lòng rộng lượng và hào sảng của người nghệ sĩ châu báu biết bao.
Trưa hôm ấy, chiếc taxi đổ trước cổng toà soạn. Anh Lê Phổ bước xuống cùng với chị Paulette, người Pháp vợ anh. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên. Lâu nay chị ít bước ra khỏi nhà, anh cũng thế. Họ sống xa lánh trong một căn hộ ở Paris quận 15. Anh bảo lớn tuổi rồi ngại lái xe, nên đi taxi cho tiện. Để ý thấy anh mang theo gói giấy xi măng khổ lớn, ở đây ta gọi giấy kraft.
Mời anh lên gác uống trà. Anh trịnh trọng nói mục tiêu thăm viếng : Tôi mang lên tặng anh Thi Vũ tấm tranh làm quà Tết, nhân cám ơn bài anh viết về tôi. Mấy chục năm qua, bao nhiêu nhà phê bình nghệ thuật Âu Mỹ viết về tranh tôi, nhưng không ai hiểu tôi bằng anh. Không bài nào tôi ưa như bài này.
Tôi ngỡ ngàng xúc động, giấu nhanh giọt lệ đang lăn.
Bức tranh khổ 75x100 cm, vẽ phụ nữ và đứa con bên bàn hoa ngoài vườn. Nắng oà vỡ bao quanh thành từng đốm chao lộng, hoá thân ra màu, luân lưu qua vùng lân hư như những lằn ranh luân hồi êm ả. Giai nhân ngồi đó. Không tên. Danh xưng tan toả theo từng làn hương của trí nhớ. Toa rập với phập phồng. Môi vô ngôn và mắt khép địa đàng. Mày ngấn dấu trăng xưa trên vừng trán nhẵn luống thời gian. Mọi vật thể biến thành trăm phiến tâm lung linh. Ít ai vẽ được ngọn nắng tâm hồn nhảy bay trên mắt như thế. Chiếc độc bình màu huyền dạ cắm những đoá bình minh. Màu đen tinh anh của Đêm đầu tiên đẻ ra Ngày đầu tiên mà ta đã quên. Nay người hoạ sĩ trả lại. Như vũ trụ chi viện từ bao thiên kỷ cho mặt trời nhú mọc.

Thưở ấy anh Lê Phổ không vẽ nhiều như xưa, mỗi năm chừng bốn chục bức. Bức nào vẽ xong các Gallery bên Hoa Kỳ đến chở đi ngay. Mỗi bức giá từ 20 đến 50 nghìn Mỹ kim. Vẽ bao nhiêu bức họ cũng lấy, họ thúc hối thường xuyên, nhưng anh bảo già rồi không ngồi lâu trước giá vẽ được.
Tôi quen anh Lê Phổ vì một sự tình cờ.
Những năm 50 thấy tranh anh trên bìa một tạp chí Công giáo hình Đức Mẹ in vào dịp Noël. Dưới góc tranh đề tên Lê Phổ bằng chữ Hán. Tên anh đi vào trí tò mò của tôi từ đấy. Tôi yêu thơ và hoạ, nên la đà theo hai lĩnh vực này. Bẵng đến đầu thập niên 80 nhân một buổi chuyện trò với anh Đoàn Đức Nhân, người cựu bí thư của Cụ Nguyễn Hải Thần thời cụ về Hà Nội chấp chính. Anh chạy giặc sang Đài Loan rồi về Việt Nam năm Mao Trạch Đông chiếm Trung quốc. Tôi nói với anh Nhân giấc mộng muốn in một cuốn Truyện Kiều thật đẹp, thật trang trọng, kèm theo tranh vài danh hoạ Việt Nam. Gặp Hoạ sĩ nào tôi cũng ngỏ ý, nhưng ai nấy đều thờ ơ với giấc mộng tầm thường lại vô ích. Dù tôi bảo, mỗi gia đình cần có một cuốn Kiều như thế, không lật ra xem, không đọc cũng chả sao. Nhưng trên giá sách phải có một cuốn Kiều thật trang trọng. Hồn thơ thiêng sẽ toả vào đời họ mỗi ngày. Lâu hoá nhập tâm, thành Nguồn Thơ đứng dậy. Mỗi gia đình đã không có một bàn thờ tổ tiên đó sao ? Bàn thờ ấy có vô tích sự không ?
Chuyện vãn với anh Nhân tôi vụt miệng bảo không biết Hoạ sĩ Lê Phổ còn sống không. Vẽ được Đức Mẹ tất sẽ vẽ Kiều thành công. Những họa sĩ khác chỉ biết Kiều bằng chữ, chưa thấy Kiều qua hình tướng vô hình.
Lê Phổ học khoá đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà nội với 12 sinh viên đầu và tốt nghiệp năm 1930. Trường này do hoạ sĩ Victor Tardieu, bạn của Matisse và Rouault, sáng lập. Sau đó Lê Phổ qua Pháp rồi mất tích trong dư âm tôi.
Anh Nhân bảo Lê Phổ còn sống, ở Paris này này. Tôi vừa ăn cơm nhà anh bữa nọ, anh Thi Vũ muốn tôi dẫn đến thăm? Thế là chúng tôi gặp nhau trong bữa cơm tối tại tư thất anh Lê Phổ. Hôm ấy anh làm món thịt kho mà theo anh nói kho liu riu mười lăm giờ đồng hồ. Quả là ngon. Thịt vào đầu lưỡi tan nhanh chất béo rượi quyện theo vị ngọt dịu và thơm. Bí quyết nấu ăn là định lượng pha trộn giữa hai chất mặn và ngọt. Không ngọt đường mà chất ngọt lẵn trong vật liệu thực phẩm. Anh khui chai rượu vang Chateau Lynch Bages, loại Pauillac Medoc, năm 1954, nói với chúng tôi : Năm thay đổi cuộc đời chúng ta.
Đêm thân tình hiếm quý. Anh Lê Phỏ kể lại quãng đời ly hương, thoạt đầu khổ như thế nào, vô danh như thế nào, khó chen chân với các danh hoạ ở Pháp như thế nào... Năm 1946 anh gặp ông Hồ Chí Minh. Anh mời ông Phạm Văn Đồng đến gặp nhóm bạn hữu của anh và dùng cơm nơi xưởng vẽ của anh. Anh háo hức biết bao với nền độc lập dân tộc. Nhưng cùng với một số trí thức, văn nghệ sĩ ở Pháp thời ấy, anh thất vọng với nhóm Cộng sản đệ tam khi hay tin họ thanh toán anh em yêu nòi giống bên nhà.
Tôi ngỏ ý xin trở lại xem tranh và làm cuộc phỏng vấn cho tạp chí số Xuân. Từ đó chúng tôi trở thành đôi bạn vong niên chí tình.
Nhớ như trong bài phỏng vấn ấy anh ước vọng tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Việt Nam 20 tấm tranh. Bài viết in ra gây hai điều lý thú. Một là rất đông người Việt tưởng anh đã quy tiên từ lâu, ai ngờ anh còn sống và lừng danh quốc tế. Điều sau, là Hà Nội cử một Việt Kiều ở Pháp tới tiếp xúc, rồi gửi một hoạ sĩ từ Việt Nam sang thăm anh để xin anh 20 tấm tranh cho Bảo tàng quốc gia ở Hà Nội. Anh gọi dây nói cho tôi hỏi ý kiến. Tôi đáp : “Anh phải dành 20 tấm tranh cho quê hương Việt Nam, anh nhớ dặn chị và các cháu thi hành việc đó. Nhưng anh ơi, mấy ông Cộng sản chưa biết yêu người thì làm sao họ yêu tranh “tiểu tư sản” của anh”.
Nói là nói thế thôi, lâu sau gặp lại tôi hỏi anh đã gửi tranh về Hà Nội chưa ? Anh bảo : Tôi dặn Paulette nếu tôi có chết trước, thì chờ Việt Nam thanh bình, tự do mới gửi tranh về.
Anh Lê Phổ mất tại Paris ngày 12.12.2002, năm 94 tuổi, yên ả giữa vòng tay vợ con thân yêu và chôn tại nghĩa trang Montparnasse.
Thế là đã sáu năm tôi xa anh, một người anh hiền từ và tài hoa thiên phú. Anh Lê Phổ và anh Quách Tấn là hai người Việt Nam độc nhất trong đời này chưa phát một lời phê phán, nói xấu bất cứ ai khi chuyện vãn hay thư từ với tôi. Dù tôi biết hai anh gặp rất nhiều chuyện bạc bẽo trong đời.
Và đời tôi chưa lần nào được khoản tiền nhuận bút cao như thế khi viết bài. Mỗi bức tranh Lê Phổ trị giá từ hai mươi đến năm mươi nghìn Mỹ kim vào thập niên 80 thế kỷ trước.
Chuyện đã lâu, bài viết về Lê Phổ không chắc có ai đọc hay nhớ, tôi đem ra nhuận chính để đăng lại dưới đây làm kỷ niệm mối tình bạn.
Thi Vũ
Paris, giáp Tết Mậu Tý, 2008

--------------
Hoạ sĩ Lê Phổ, Người vẽ Nắng
Nguồn nắng nơi chân mây
Vũ trụ đã được chiếu soi bằng hình ảnh trái đất. Hay ngược lại thì cũng thế. Mặt trời được chiếu soi bằng lá rừng và bọt sóng. Tây phương được chiếu soi bằng lóng nắng Đông phương. Paris cũng xinh tươi, ấm nồng dưới bước chân đầy nắng những Nàng Tiên Việt lăng lẽ từ phòng vẽ Lê Phổ đi ra.
Đời loé ra từ những ảo giác nghệ thuật như lửa giữa đá.
Cuộc sống trăm năm con người là sự kiếm tìm một ánh nắng. Những kẻ chịu lên đường ra đi, tưởng bèo tắp mù khơi, lại tìm thấy nguồn nắng cuối chân mây.
Paul Klee bỏ Âu châu mà đi, vứt nền văn minh đồ sộ sau lưng. Tới Bắc Phi châu trầm mình 12 ngày ở Qayrawàn mới thấy suối nắng để phát kêu lên : “Sắc màu choáng ngợp tôi... Sắc màu vào trong tôi thành một !”. Kể từ đó Paul Klee khác đi, ứng thân vào đời mới, một giai hoạ mới. Edvard Munch, Van Gogh, Picasso, Miro, Modigliani, Whistler, Chagall, Ensor, Foujita, Zao Wu Ki... rời bỏ quê hương Na Uy, Hoà Lan, Tây Ban Nha. Ý Đại Lợi, Hoa Kỳ, Nga, Bỉ, Nhật, Trung hoa... mà đi, mới tìm thấy nguồn sống cho đời và tranh họ.
Lê Phổ cũng thế.
Cùng với Vũ Cao Đàm và Mai Thứ họ đến và ở lại Paris từ năm 1937. Paris, quê hương của giới nghệ sĩ, nơi tác thành bao triều lộng cho thi ca, văn học và hội họa. Paris không áp đặt mỹ quan độc đoán, ý thức hệ chuyên chế hay chủ trương chính trị nào cho nghệ thuật. Trăm hoa cứ đua nở. Paris không đòi hỏi, không đặt điều kiện, không ký giao kèo. Paris là lữ quán  lãng đãng đón khách thập phương. Một lần đã tới ít ai bỏ đi. Thảng hoặc ra đi, dấu vết vẫn còn lưu hay giữ gìn nguyên vẹn như mối tình đầu trong tim người nữ.
Độ lượng và khoan hồng như khoảng trời xanh biếc, Paris chấp chứa muôn nghìn sắc mây, mưa, nắng và trăm chim. Mọi khoan hồng đều mang mẫu tính. Nhiều tài hoa bốn biển đã cắm tích trượng xuống Paris, dựng lên những núi đồi văn học, lâu đài nghệ thuật, trường phái mới lạ.
Về hội hoạ, Trường phái Paris (Ecole de Paris) lại do các danh hoạ ngoại quốc dựng nên, chứ không riêng người Pháp. Còn thêm ảnh hưởng sâu đậm đến từ hội hoạ Nhật bản và Trung hoa trong nền hội hoạ cận đại ở phương Tây. Tất cả đó thổi luồng sinh khí mới vào hội hoạ cổ điển Pháp hao mòn sau nền kiến trúc Nhà thờ suốt mười thế kỷ.
Một Việt Nam chiến tranh và huynh đệ tương tàn đã đánh mất Lê Phổ. Nhưng con người ấy không để Việt Nam mai một trong tim mình. Qua năm mươi năm ròng, đơn độc, âm thầm, anh dùng sắc màu tích luỹ nguồn Nắng mong sưởi ấm nơi chôn nhau cắt rốn. Cùng thời gian ấy, bị vùi dập, đảo điên, dường như chúng ta sẩy tay làm sổng mất luồng Nắng mướt năm nghìn năm vàng mật ?
Họa là gì ?
Đặt xong câu hỏi khá lý thuyết và thời thượng : «Họa là gì ?», ta ngồi chờ câu đáp tràng giang đại hải moi móc từ các thế giới quan  - Weltanchauung -  hay những uẩn ức triết học của bao kẻ học đòi làm họa sĩ  - bằng lời thay vì bằng tranh. Nhưng với Lê Phổ, vấn đề giản dị hơn, bình nhật nơi ngày thường :
«Tôi họa sao cho người ta thích và đem treo lên tường. Với tôi, vẽ là hành hương vào nội tâm. Vẽ là giú một trái chín. Con đường dài lắm. Nhiều anh em trẻ vội vàng, mong chóng thành công nên lao theo lối vẽ trừu tượng (abstrait). Đây là điều không nên. Trừu tượng hay không, họa sĩ phải có nét vẽ (dessin), phải biết dùng màu...».
Dễ hiểu thật. Họa là vẽ và sử dụng màu. Nhưng sử dụng sao đây ? Đấy là học tập, là hành trình, có thể gọi như hành hương. Cuộc hành hương về Họa của Lê Phổ trải gần 60 năm. Năm nay anh 76 tuổi. Nhưng suốt hai giờ nói chuyện, chưa một lần anh chịu định nghĩa hay nói lên lý thuyết, trích dẫn các bí quyết. Chưa một lần anh xác nhận mình đã đạt tới chân họa, mình là họa sư, mình có thể dạy cho đời vẽ. Dù từ năm 1932, anh là giáo sư mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và tại trường Albert Sarraut. Anh từ tốn, khiêm cung, không kiểu cách, anh kể cuộc đời học tập nhẫn nại của mình. Không phê phán, không chê khen. Điềm đạm và hồn nhiên nói như một thiếu niên kể chuyện trường ốc cho cha mẹ hay láng giềng nghe.
Họa là vẽ và sử dụng màu. Có chi cao kỳ đâu ? Hàng triệu sinh viên mỹ thuật đã làm việc ấy tự bao đời ? Họ tập chép vẽ các họa phẩm của Michelangelo, Scopias, Phidias..., tập pha màu theo Raphaël, Rubens, Tintoretto.. . Thế mà sao danh họa chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số triệu người kia ?
Tranh cấu thành khá giản dị. Nhưng làm sao cho tranh thành tác phẩm, thành kiệt tác ? Ta thấy một tà áo tím, một bãi cát vàng, bóng lá lục... Xúc động muốn ghi giữ, ta phất lên màn tranh trinh trắng những loáng tím, vàng, lục. Dễ quá. Nhưng làm sao bắt cầu liên hệ giữa ba khối sắc màu này ? Lắm khi các màu chõi nhau, hãm chống nhau. Họa bắt đầu từ đó : người họa sĩ vận dụng các đường nét, vẽ mối liên giao sắc màu. Diễn tả ngọn lá, bông hoa, giai nhân, một vẻ đẹp hình thể, dù có hoa tay vẫn chưa đủ. Vẽ xong hình dáng giai nhân. Nhưng còn phong vận diễm kiều, còn mối duyên thầm của nàng ? Thế cũng chưa xong. Họa đòi hỏi ngôn ngữ và ý nghĩa hình thể qua đường nét. Dù đường nét hay màu sắc giảm độ in giống, mà chiếc máy ảnh sẽ tài tình hơn, nhưng lại thiếu sự thăng hoa của khối hình, thành nghệ thuật với những lung linh sinh động của nhân sinh và vũ trụ.
Giai nhân màu áo nắng

Cảm nghĩ trên đây chạy qua tôi thành niềm thán phục hôm bước vào phòng vẽ nhìn bức tranh đang họa của Lê Phổ.
Tất cả hình dung nguyên vẹn, từ hoa lá, trái cây, cửa sổ, dáng người và trang phục. Tuy khác với tấm ảnh Polaroid. Ở đây là sự lung linh di động. Thoáng như thấy người trong tranh cử động. Tôi xuýt hóa thành Tú Uyên về lại phường Bích Câu.
Lepho 2
giai nhân màu áo nắng, tranh sơn dầu Lê Phổ, 1984
Tất cả hình dung nguyên khối. Nhưng sao cảm giác trừu tượng lại hiện ra ? Phải chăng đường nét biết co duỗi, loảng tan điệp với sắc màu ? Màu gợn lên rung cảm. Ta muốn mang tranh về treo lên tường vách chốn lưu đày. Không để vui mắt. Tranh vui mắt là tranh trang trí, treo cho lấp một khoảng trống mong tô điểm nỗi quạnh hiu kiếp người. Tranh Lê Phổ không là tranh trang trí. Ta nghe qua màn tranh tiếng sắc màu thầm thì. Người họa sĩ nhập một vào màu, ẩn giữa lòng tranh chuyện vãn cùng ta. Chưa nói tới giai nhân, chiếc độc bình, trái đào, quả táo, nụ hoa, khung cửa, mặt bàn... Mọi vật mang những nội tâm riêng, cách sống riêng, mà nhịp điệu gây mơ hay xao động lòng người xem tranh. Vĩnh cửu vừa nhập cảnh, đặt chiếc hôn lên đường nét.
Hoa đó không là hoa nhưng lại chính là hoa. Người đó không phải người nhưng lại chính là người. Những nếp màu chập chùng giai điệu. Xoắn xít hỏi han, nồng nàn hơi thở. Tóc đó là trọng lực của đời ta. Cổ đó là hải đăng ta ngóng chờ hy vọng. Ngực đó là nỗi ta phập phồng giữa mùa yêu dấu. Người đó là giống nòi ta tràn khắp thinh không.
Màu vàng chiếc áo hắt lên chòm hoa, rụng đầy vỏ táo, phả tới tường hồng, dạt theo nhánh lá đuổi đùa sắc xanh. Tất cả kết cánh chen đua, tuyệt vời rực rỡ.
Trước khi gặp Lê Phổ tôi yêu thích hai màu vàng trong hội họa Tây phương. Màu vàng của Van Gogh và màu vàng của Vermeer trên mặt tường thành phố Delft. Màu vàng của Van Gogh là màu của trí não khổ đau bị ánh lửa những vì sao chổi đốt cháy. Màu vàng Vermeer là màu tằm vừa ươm nơi vùng hàn đới đợi hè.
Duy màu vàng của Lê Phổ mới là màu nắng lung linh, ray rức nơi quê hương yên ả, mà hôm nay tôi mới được chạm sờ giữa cơn đông lưu xứ.
Mọi đau khổ đã nhẵn thín trong tranh Lê Phổ. Tranh anh là những con sông màu, sóng sảnh những niềm vui. Những nụ cười không bật vẫn cứ ran vang. Những lặng thầm dậy sóng. Những vô ngôn hót lời. Tất cả chảy trôi mênh mông phiếu diễu, phới lên niềm hẹn ước, vợi tới chốn hẹn hò.
Sáu mươi năm hành hương trong hội họa. Anh không hề nói ra, tuy ta cảm nhận anh đã về tới chốn tối hậu của thực tại sắc màu. Bức tranh không phô bày khách thể hay chủ thể, những thực tại phiến diện. Vì sắc màu và đường nét Lê Phổ cư trú nơi thực tại tối hậu được ta nhận ra khi đối diện màn tranh. Như đứa con nhận ra mẹ mình giữa nghìn triệu phụ nữ. Đường nét không tả chân, mà lộ vào sức sống thành chuỗi hình thân thuộc của ý và đời, của kỷ niệm hay dự phóng. Nhởn nhơ trên vùng trí nhớ gọi kêu sáng tạo.
Nếu Việt Nam là nước lớn hay phú cường như Nhật Bản, thì danh Lê Phổ đã đứng cùng Matisse. Ai đó cầm quyền, biết chăng trọng trách văn hóa phải cưu mang cho giống nòi trên trận địa hành tinh ?
Con đường xưa
Người có công hướng dẫn Lê Phổ là họa sĩ Victor Tardieu, bạn đồng song với Rouault và Matisse. Ông sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1925. Áp dụng phương pháp hội họa mới mẻ. Ông tôn trọng thần tính đặc thù nơi mỗi quốc gia, nên bắt sinh viên trở về tắm gội trong nền văn hóa nước mình. Thay vì ngồi cóp chép các họa gia Hy lạp hay Âu châu tại các trường mỹ thuật ở Pháp, ông bắt các sinh viên đi thăm các ngôi chùa lịch sử miền Bắc. Trầm mình vào nghệ thuật Việt Nam cổ, sao chép các hoa văn trên trống đồng, chuông, bia... cùng những mô típ trang trí trên rường, cột, tường vách các ngôi chùa. Lê Phổ cùng với Vũ Cao Đàm, Mai Thứ... nhập khóa đầu tiên. Họ là lớp đàn anh các họa gia cận đại Việt Nam.
Lepho 3 
Hoa mẫu đơn 

Chim Cu ngói, 1937
Năm 1937, Lê Phổ được chỉ định làm Giám đốc Vụ Mỹ thuật Đông Dương tại Hội chợ Quốc tế Paris. Từ đó ông không còn dịp trở về quê hương. Hỏi cảm tưởng anh ngày đầu đến Pháp, anh đáp :
«Chúng tôi thấy mình mất đi 15 năm. Lúc ấy chúng tôi vừa trạc 30 tuổi, gặp các họa sĩ quốc tế, Pháp tại Paris mới thấy họ tiến quá xa trong hội họa. Mình chẳng là cái gì cả, ngoài lối vẽ bắt chước Trung hoa. Trong nước, không có cạnh tranh, tìm tòi, không có bạo gan khám phá, không có không khí sáng tạo. Đâu đâu cũng chỉ là lối mòn, những «khuôn vàng thước ngọc» đã lỗi thời so với thế giới. Thời ấy Châu Âu đã rầm rộ với đủ trường phái đua chen, nào Biểu hiện (Expressionisme) , Ấn tượng (Impressionisme) , Tân ấn tượng (Néo-impressionisme) , Lập thể (Cubisme), Siêu thực (Surréalisme) , v.v... Chẳng ai thèm nói chuyện, trao đổi với mình. Ba mươi tuổi trong hội họa là đã già. Lớp họa sĩ trẻ thời ấy họ chê mình già và lạc hậu. Chúng tôi đành cắm đầu cắm cổ tìm hiểu, tìm học kỹ thuật phương Tây. Sau đó, tôi đi thăm Trung quốc nghiên cứu thêm về hội họa cổ, thăm Ý Đại lợi. Ở lại Ý khá lâu, tôi chấn động trước nền họa phong phú và thần tình của Ý».
Nhìn những tác phẩm của Lê Phổ, chúng ta thấy dấu vết học hỏi, tìm tòi này. Đầu thế kỷ XX, tranh anh vẽ không thua gì tranh Trung quốc. Tôi được ngắm nơi phòng khách nhà anh bức «Hoa mẫu đơn» diệu vợi. Chiếc độc bình nõn nà sắc trắng trinh bạch quyến cùng hoa lá. Mẫu đơn như từ đấy mọc ra. Chút mờ ảo sương khói, chút vần vũ khói hương, chút nhớ nhung tiền kiếp. Nếu bỏ đi khuôn triện và tên Lê Phổ dưới góc tranh, ai bảo đấy là tranh đời Tống, đời Minh, tôi sẽ gật đầu khen đúng.
Bước chân tới Pháp vào năm 1931, anh theo học khóa bổ túc một năm rưỡi tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Sau đó về nước làm giáo sư hội họa một thời gian tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và trường Albert Sarraut. Bức tranh Fiesole vẽ trong thời gian đến thăm Ý đại lợi năm 1931. Tranh rặc Tây phương với chút hơi hám Lê Phổ qua phớt màu phấn nhạt (pastel) phương Đông hay những rặng dọc không gian theo chiều đứng của lá phong lan. Phải chăng đây là cảm quan của hai tâm trạng ? Con người Việt của Lê Phổ sống trên đồng bằng sông Nhị bát ngát tới biển Thái bình, nên tình cảm và thần trí quyện vào nhau nhất quán. Gặp phong cảnh Ý đại lợi ảnh hưởng vào bản thân mỗi người qua những đồi núi chập chùng không hòa tâm mà cách ngăn khiến con người hướng thượng tìm lối ? Tuy nhiên, niềm hồn nhiên phiếu diễu đã đeo đuổi Lê Phổ từ đầu. Thời vẽ bức Fiesole, chơi vơi còn là sợi tìm lên chiều cao. Nhưng mười lăm năm qua, niềm hồn nhiên phiếu diễu ấy phá toang ranh giới, tung ngang và vờn bay khắp mọi chiều, rộng thinh không gian.
Giotto và Lê Phổ : cuộc đối thoại Đông Tây
Trên cuộc hành trình thăm Ý, anh khám phá các danh họa thời hoàng kim Phục Hưng (Quatrocento) . Anh chiêm ngưỡng Fra Angelico, Pierro della Francesca, Botticelli, Ghirlandajo. .. Anh tôn sư Fra Angelico và Pierro della Francesca như người chỉ đạo (maître penseur) trên bước đường học họa. Phải chăng thời ấy Lê Phổ còn say mê với phối cảnh, nên nhận ra sự áp dụng tài tình những luật tắc kỷ hà trong tranh Francesca ?
Pierro della Francesca của thời Ý đại lợi vừa chấm dứt giai đoạn Trung cổ bước vào thời Phục Hưng (Renaissance)  - thời hoàng kim của hội họa và nghệ thuật Châu Âu. Trước đó không lâu, danh họa kỳ vĩ đẻ ra nền hội họa Phục Hưng là Giotto. Lần đầu tiên Giotto khám phá ra hai chiều không gian và đưa vào tranh. Nhờ đấy, Masaccio bước thêm bước nữa, tìm ra ba chiều không gian. Nhưng áp dụng thần tình các luật tắc kỷ hà (hình học) thành tác phẩm hội họa, thì phải đợi tới Pierro della Francesco. Công trình khai phá nghệ thuật ấy đóng góp cho sự ra đời một nền văn minh và tư tưởng mới mấy thế kỷ sau tại Châu Âu. Sáng tạo nghệ thuật đẩy cuộc tiến hóa tinh thần và xã hội đi tới. Sáng tạo nghệ thuật ấy chắt lọc từ khổ đau, suy tư dằn vật của đám dân nghèo khổ lụy vì thiên tai, nội chiến, hay giới quý tộc bóc lột, hoặc tộc họ, bọn cầm quyền cưỡng bức.
Lepho 5
Fiesole, 1931
Hai đỉnh sáng thời Phục Hưng là thi hào Dante và họa sư Giotto. Tác phẩm thơ, họa của hai người khai mào cho tinh thần phê phán Đức qua Luther, Phương pháp mới của khoa học (Novum organum scientiarum) bên Anh với Bacon, và phương pháp học Pháp với Descartes làm nền cho cuộc giải phóng nhân loại có một không hai trong lịch sử loài người : cuộc Cách mạng khoa học và kỹ thuật vào giữa thế kỷ XX.
Qua cuộc cách mạng nghệ thuật thời Phục Hưng, từ Giotto đến Michelangelo, Leonard da Vinci..., các nghệ sĩ Ý thành công giải phóng con người khỏi sự nô lệ thần quyền và quý tộc. Đồng thời tạo điều kiện cho khoa học nẩy sinh.
Lê Phổ, con người đến từ phương Đông, hẳn phải ngạc nhiên, chấn động trước sự phong phú, mỹ miều và mới lạ khi tiếp cận với các danh sư thời Quatrocento. Đó là thời kỳ anh vẽ nhiều tranh tôn giáo : Giáng sinh (1941), Xuống cây thánh giá (1941)... Ta thử nhìn bức Xuống cây thánh giá (Descente de la croix) của Lê Phổ tất sẽ nhận ra nét tài hoa của người họa sĩ Đông phương.
Một người Việt Nam đứng bên cạnh một người ngoại quốc, không thấy gì kém yếu mà còn bày ra nét đặc thù phong phú. Một người đẹp da vàng cạnh người đẹp da trắng, đời phới thêm kiều lệ. Cũng thế, để bức tranh Việt cạnh tranh các danh họa quốc tế, mà không thấy nó hổ ngươi thì biết ngay chân tài họa sĩ nước ta.
Khỏi tìm đâu xa. Hãy đặt bức Xuống cây thánh giá của Lê Phổ vẽ năm 1941 cạnh bức Xuống cây thánh giá Giotto vẽ vào thế kỷ XV. Hẳn ta biết Giotto là bực thầy của nền hội họa Phục Hưng. Ta thấy gì ? Đây không còn là sự cóp chép, đạo họa (plagiat).
Giở cuốn «Nghệ thuật tạo hình Việt Nam» do Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội phát hành năm 1975. Tập sách nhiều tranh màu này phải nhờ một nhà in ở Budapest, Hung Gia Lợi, ấn loát. Ngoài một vài họa sĩ có nét trước 1945, ta đau buồn nhìn thấy sự nghèo nàn, khô chết trong nền hội họa Xã hội chủ nghĩa. Từng bức, từng bức cóp chép loại tranh tả chân tuyên truyền đồi phế, mất thần. Loại nghệ thuật được vinh danh là chủ nghĩa hiện thực xã hội.
Cùng một sự đau khổ của nhân dân, cùng những điêu linh của thiên tai và nội chiến, ba bốn thế kỷ trước đây, các nghệ sĩ Ý diễn tả thần tình và điêu luyện trên màn tranh. Ba mươi năm chiến tranh với khổ đau trầm thống cùng sức quật cường của dân Việt, mà sao tranh nơi Xã hội chủ nghĩa lại thô lược, nghèo nàn như minh họa quảng cáo ? Dưới lớp màu giản lược kia ta không gặp những đường nét sinh động, ngoài nhiệt tình ồn động nơi bản năng loài thú. Kỹ thuật của người họa sĩ Xã hội chủ nghĩa xem ra còn vụng về và thua kém lối bích họa trong hang động thời tiền sử.
Buồn hơn nữa, khi giở cuốn «Nghệ thuật Việt Nam Hiện đại» do Nha Mỹ thuật Học vụ, Bộ Giáo dục ở Saigon xuất bản năm 1962. Cũng thế. Được học tập , màu sắc chỉnh, thể tài phong phú hơn xa miền Bắc. Song ngoại trừ vài ba vị họa sĩ đàn anh, tất cả tranh còn lại gợi trong ta sự cóp chép vụng về, thô thiển các trường phái lập thể, trừu tượng, ấn tượng ở phương Tây. Xem tranh Việt nhưng đầu óc hiện về từa tựa tranh Maneissier, Pollock, Picasso, Modigliani, Poliakoff. Mark Tobey, Wols, Mathieu, Soulages... Nghèo và thảm.
Nhưng nay nhìn Lê Phổ và Giotto qua cùng thể tài, ta không hổ thẹn, không mặc cảm. Ta hãnh diện. Cùng thể tài Đức Mẹ đỡ Chúa Ky tô xuống cây thánh giá, nhưng hai lối nhìn, hai cung cách thể hiện, hai suy tư, hai tinh thần Đông Tây khác lạ.
Tranh Giotto là sự nổ bùng cá thể trước mệnh đời. Con người phá toang biên cương giới thể và khổ đau. Nhưng bị đức tin và và tư tưởng độc thần hãm lại. Nên đành nương vào sự cứu rỗi của Thượng đế tối cao đầy thi vị và trữ tình. Khổ đau ở đây được chiêm ngưỡng, thay vì giải quyết hay diệt trừ  - nói từ phạm vi nhân sinh. Khổ đau thành thánh ca. Chúa Ky tô nhắm mắt, hoàn thành một nhiệm vụ, khép lại một đời người. Không nói gì thêm. Tất cả cùng nhất tâm chấp nhận, thác sinh ra thông điệp hy vọng của tin lành. Đức Mẹ không khóc lóc. Bà xuất hồn vào đứa con mình mà cũng là Trời mình. Đứa con trọng hệ như niềm tin quyết, nhưng hoan lạc, hết nghi hoặc : vòng đôi tay nâng một cánh hoa, không phải xác người. Mắt mẹ nhìn vào đứa con : một cá thể muốn vẹn toàn cá thể. Cũng là đôi mắt người đàn bà nhìn vào chốn linh : một cá thể bốc bay về nguồn nương tựa, một tình yêu áo bọc điều trân quý.
Người mẹ thần thoại ấy nào ai khác những phụ nữ bình dân Ý đang bị bọn quý tộc giày xéo thời phong kiến, bị lao động nhọc nhằn trên đồng áng, bị đàn ông xài xạc dù đó là chồng, con mình. Giới phụ nữ bị hy sinh, bị quên lãng, bị biến thành công cụ, nay nhờ tiếng nói của hội họa mà đứng lên, thét đòi quyền sống, quyền hiện hữu. Hình như những người đàn bà ấy nói : Chúng tôi có mặt đây, chúng tôi đang hạ sinh cho trái đất những đứa con và niềm hy vọng. Tiếng thét ấy, quyền cá thể hiện hữu ấy được Giotto dùng tranh nói lên. Sau ông, một đoàn lớp danh họa thời Quatrocento tiếp tục thét lớn cho đến ngày người phụ nữ được bình quyền.
Bức tranh Lê Phổ mang cùng thể tài rước Chúa xuống cây thánh giá. Nhưng phong cách Đông phương lóe lên trong cái nhìn. Bao nhiêu thế kỷ, cá thể con người phương Đông không bị bức bách như ở Tây phương. Người Đông phương hòa đồng cùng nòi giống, thiên nhiên, vũ trụ hay với thần linh. Từ khởi thủy, con người phương Đông là thế đứng nhân quyền giữa trời và đất. Vì vậy Đông phương không có tuyên ngôn nhân quyền. Mặt Chúa Ky Tô trong tranh Giotto chấp nhận cái chết, chấp nhận trăm năm một đời người. Mặt Chúa Ky Tô trên tranh Lê Phổ biểu thị sự cưu mang khổ lụy dù phải bước tới vô biên. Như cái rước thân của Bồ Tát. Trũng mắt trong tranh Giotto khép đậy đời người, chờ ngày phán xét. Trũng mắt nơi tranh Lê Phổ dồn đọng khổ đau chốn Sa bà, ta cảm nhận sức hút hai quả mắt lún kéo vào lòng đất. Người Mẹ trong tranh Lê Phổ không nâng đầu Chúa như nâng cánh hoa của Niềm Tin, mà bà xốc nách, siết vào lòng mình bằng chiếc ôm bảo bọc, cưu mang. Bà không nhìn con, vì con đã ở lòng bà. Bà nhìn xuống thế gian đau khổ, nhìn xuống thế phận kiếp người. Cái nhìn lắng nghe quán thế  - cái nhìn Từ bi. Cái nhìn không tố cáo, điểm chỉ, không căm thù. Đó là cái nhìn cứu khổ. Ôm siết Chúa Ky Tô cũng là ôm siết đời để giải cứu, để thánh hóa cái sống.
Lepho 6
Xuống Cây Thánh giá, Lê Phổ 1941. Xuống Cây Thánh giá, Giotto, thế kỷ XV
Trên tranh Giotto, thần học Tây phương chiêm ngưỡng và tụng ca khổ đau, chờ ngày phán xét. Một đợi chờ thủ phận  - Que ta volonté soit faite -  nay hóa sinh trên tranh Lê Phổ Đông phương thành cưu mang đáo bỉ ngạn  - Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi svāha. Mẹ và Con không là hai cá thể quyến vào nhau tìm phương bảo vệ. Vì Mẹ và Con là thực thể tâm linh làm đê chắn những gợn sóng bạo hành, tàn ngược như những kiếp phù sinh. Trong tranh Lê Phổ, Mẹ và Con đưa một cái nhìn xuống và một cái nhìn lên không gặp gỡ. Lạ thay, cùng chạm tới bờ mút của cái NHÌN THẤY đời, người và trời đất. Cái nhìn của sự tựu thành. Mắt Chúa Ky Tô qua tranh Lê Phổ chưa là dấu chấm một giai kỳ, vì mang hạnh nguyện chuyên chở giải thoát, mài khổ đau cho nhẵn. Như kẻ mài đá kiếm ngọc.
Cùng một thể tài nhưng hai phong cách. Giotto và Lê Phổ hợp nhất tài tình suy tư và tình cảm. Họ là những kẻ phác họa Chân như. Vô tình và bất ngờ cuộc đối thoại tư tưởng và nghệ thuật Đông Tây thể hiện trên hai bức tranh cách nhau năm thế kỷ. Dường như đạo Thiên Chúa được Việt hóa qua tranh Lê Phổ.
Vào cùng thời kỳ này, anh thoát ly lối thể hiện Trung hoa để vào cuộc đồng thoại với Tây phương khai phá con đường hội họa Việt Nam. Chuyển hướng thấy rõ qua bức Mẫu tử (1938), Tĩnh vật (1938), Thiếu nữ bên hàng hiên (1938), Thiếu nữ cầm hoa huệ (1938).
Lepho 7
Thanh nhàn, 1943
Sau đấy đi vào thời ảnh hưởng Bonnard. Bonnard và Matisse là hai danh họa Lê Phổ nể phục. Ảnh hường hội họa Nhật Bản, Bonnard và phái Ấn tượng đưa vào hội họa Pháp nhiều sắc màu tươi mát. Bonnard trở thành bậc thầy của ánh sáng và sắc màu, người minh họa thần tình đời sống nội thất qua các vật thể hằng ngày. Dưới bàn tay Bonnard phù thủy, mọi sự đảo nhanh, sinh động, nói năng, cảm giác. Vài khi tranh Bonnard mang biểu tượng đồi phế, nhưng thứ đồi phế thác sinh ra phong vận mới. Thủ lãnh nhóm Nabis, Bonnard cho ta cảm giác ông là người sáng tạo chuyển thời hồi đầu thế kỷ XX.
Lepho 8
Trang điểm, 1942
Lepho 9
Trong vườn, 1963
Nhắc  tới Bonnard, Lê Phổ không tìm ra lời. Anh ấp úng. Anh trầm ngâm thán phục. Lâu sau bật lên chữ Orfèvrerie  - không thuộc nghề kim hoàn, mà là sự chuẩn xác như chạm trổ, tuyệt sắc như ánh màu.
Màu tím bồ quân, xanh ngắt, lục đậm... chen chút sắc vàng còn ngái và đục trên tranh Lê Phổ giai đoạn 1940 – 1950 là dấu ấn ảnh hưởng Bonnard (xem bức Thanh nhàn, 1943).
Bình minh thấp thoáng
Sau này về ở Nice, gặp và đánh bạn với Matisse, Lê Phổ gợi hứng và tìm ra con đường riêng biệt cho hội họa mình. Anh thanh toán hai chặng đường : vẽ theo tranh Tàu và vẽ theo các danh họa phương Tây. Từ 1960 cho đến nay là đường riêng Lê Phổ mà cũng là con đường hội họa Việt Nam kết tinh bằng tổng hợp. Anh là nhánh sông lớn, hút dưỡng nguồn rừng Việt tiếp nuôi đại dương nhân loại.
Màu tranh anh rất sáng và tươi. Trong veo.
Debussy đưa hương vào tiếng mưa trong nhạc. Lê Phổ đưa nhạc vào tranh  - Họa trung hữu nhạc. Màu của anh rền vang chim chóc và chuông ngân. Rất thủy tinh. Như có Mozart trong ấy.
Danh họa Paul Klee tìm ra Nắng ở Bắc Phi, óng ánh cho sắc màu. Nhưng nội tâm ông chưa nguôi ngoai. Nỗi khắc khoải cuối đời xui ông minh họa tập thơ Hafez, thi hào Ba Tư thế kỷ XIV. Những thiên thần Hồi giáo bay múa thay thế thiên thần Thiên chúa giáo. Hafez, thi sĩ thời chiến tranh, thời chết và khổ, thời vang vang vó ngựa Tamerlan. Nhưng Hafez cũng là thi sĩ của những dòng thơ trong sáng đầy nhạc và tình yêu thương nhân loại, là tiếng nói khát khao của thực tại theo phái khổ hạnh Sufism. Paul Klee khắc khoải tìm đến Hafez, một họa sư tìm đến một thi hào, cuộc kiếm tìm gặp nhau nơi thực tại tối hậu của trần gian. Một trong những bức tranh quan trọng cuối đời Paul Klee mang tên “Tod und Feuer”  - Nỗi chết và lửa nung. Nắng mà Paul Klee tìm thấy ở Bắc Phi mới là luồng sáng soi rọi nội tâm, hắt lên từ sa mạc nên còn nguyên sự thiêu đốt. Nắng ấy chưa tắm mát nơi nguồn nước Đông phương, nơi Chín Con Sông Rồng hay bình nguyên sông Hồng.
Nắng mà Lê Phổ bắt được và vẽ ra, là ánh của sáng, róc rách nước nguyên phối. Nhờ vậy, tranh Lê Phổ không khắc khoải mà an nhiên về chốn nguyên ngôn  - đầu nguồn sự sống khi tư tưởng chưa sa đà thành triết học. Một danh họa phương Tây và một danh họa phương Đông. Một bên là Nắng và Lửa, một bên là Nắng và Nước trên con đường vạch trần chân lý.
Odilon Redon nổi danh vẽ những bình hoa. Từ đó tới nay, ta mới thấy lần đầu qua tranh Lê Phổ những bình hoa rực rỡ Đông phương, hồn nhiên lưu luyến. Tài hoa hay sự uẩn nhưỡng tâm tư tạo ra niềm trời mát thơm, trong sáng ? Đây là sự bí mật của Lê Phổ. Gặp và chuyện trò cùng anh, ta không ngờ người ấy bỏ nước ra đi từ năm 1937  - bốn mươi bảy năm tròn. Lạ thật, những kẻ xa quê có khi còn giữ rất nhiều chất Việt hơn những người mới đến, hơn những người ở lại ! Tại sao ?
Tuy rất Việt nhưng không kiêu hão, tự phong đệ nhất danh họa hoặc bô bô hội họa nước ta đứng đầu thế giới. Chưa đất nước nào hàm hồ như nước ta với vị thế thứ nhất : khôn nhất, giỏi nhất, thiên tài nhất... đến như cái ngu cũng đòi cho ngu nhất. Anh Lê Phổ cực kỳ khiêm tốn, dù tranh anh nổi tiếng từ Âu châu sang Hoa Kỳ. Nước Pháp muốn triển lãm tranh anh, nhưng anh không đủ thời giờ chuẩn bị. Anh nói : “Mỗi năm tôi chỉ vẽ chừng 40 bức, bên Hoa Kỳ họ lấy hết. Xong tấm nào chở đi tấm nấy. Mình lớn tuổi rồi, không còn làm việc như xưa...”. Lê Phổ thú nhận nước ta không có truyền thống hội họa, ngoại trừ loại tranh dân gian chả cao kỳ chi mấy. Anh cho rằng truyền thống hội họa có hay không tùy thuộc nỗ lực giới họa sĩ trẻ, nếu họ chịu tìm kiếm, học hỏi, khai phá. Chuyện còn trong tương lai.
Chùa Thầy nơi quê cũ
- Thưa anh Lê Phổ, anh có lời khuyên nào cho anh chị em họa sĩ trẻ ?
- Lời khuyên ấy à ? Biết khuyên gì ! Có lẽ anh chị em không nên vội vã, đừng nóng lòng thành công mà vẽ tranh trưu tượng (abstrait). Tôi không chống tranh trừu tượng, thích là đằng khác. Nhưng trừu tượng là kết quả của suy tư, của một hành trình tiếp cận (un cheminement) , chứ không là phác vẽ ngẫu nhiên, may mắn. Hãy xem Kandinsky, Klee, De Kooning, Dubuffet, Soulages, Zao Wu Ki... Anh chị em không nên đóng cửa ở với nhau, nên giao thiệp rộng với các họa sĩ ngoại quốc để trao đổi, học hỏi và khai phá con đường mới. Nhất là phải tập luyện không ngừng cho có nét vẽ (dessin). Xưa có họa sĩ Trung hoa bỏ ra hàng năm đi quan sát các loài cua ngoài biển rồi mới dám bắt tay vẽ cua.
- Ngoài điều ấy ra, anh còn gì nhắn với họ chăng ? Một giây im lặng, anh tiếp :
- Đừng làm dơ sắc màu ! Đừng làm dơ chất liệu ! (Il ne faut pas salir les couleurs, il ne faut pas salir les matières). Vẽ màu sáng rất khó, nhưng phải ráng. Chỉ riêng Dubuffet mới đủ tài hoa sử dụng hắc ín với loại hội họa kiểu đường tráng nhựa (peinture macadam).
- Những khó khăn trong đời anh ?
- Họa sĩ không chỉ vẽ điều mình ưa thích, mà còn phải lo sinh kế, lo kiếm cơm nuôi gia đình.
- Vì sao hội họa Việt Nam không phát triển ?
- Vì nước ta không có Mạnh Thường Quân (Mécène), không có vua chúa, những chính quyền có văn hóa, yêu hội họa đến dám bỏ công qũy nuôi họa sĩ như ở Trung quốc thưở xưa hoặc thuê thực hiện những công trình lớn. Ai cũng chú trọng tuyên truyền hơn là nghệ thuật.
- Anh không nghĩ rằng tự thân họa sĩ phải khai phá ra đường mới. Phải chịu đắng cay vì say mê, như Van Gogh chẳng hạn ?
- Van Gogh có cả một truyền thống sống hội họa của Tây phương sau lưng. Nhà Médicis ở Ý là nâng đỡ vô giá cho hội họa. Nước ta không bao giờ có chuyện ấy. Hồi thời Bảo Đại, tôi đề nghị nên trích ngân qũy cho họa sĩ học bỗng đi du học, khuyến khích họ làm triển lãm, mua giúp tranh, và giao cho họ thực hiện những công trình trang trí hay nghệ thuật lớn. Tôi cũng đề nghị Bảo Đại dựng Bảo tàng viện Nghệ thuật ở Saigon để tích trữ tài sản văn hóa Việt, đồng lúc thu hút giới du lịch và làm cho thế giới chú ý tới văn hóa Việt Nam. Nhưng Bảo Đại không nghe và chẳng chịu thực hiện gì cả. Anh có biết rằng thời ấy một thương gia Pháp xin phép chở đi ba tàu thủy đầy những vật phẩm nghệ thuật cổ quý Việt Nam và Chàm ? Tranh, tượng, đồ sứ, v.v... Những tài sản tổ tiên do bọn con buôn đem bán cho ngoại nhân. Đau đớn hơn cả, là do bọn Việt Minh cộng sản thu nhặt đem bán, lấy cớ kiếm tiền mua súng đánh giặc chống ngoại xâm ! Di sản Việt Nam thất tán biết ngày nào mới thu về được !
- Anh nói đúng. Hồi làm Bộ trưởng Văn hóa, nếu Malraux không thuê Braque trang hoàng điện Louvre, hay thuê Chagall trần thiết vòng thiên khung đại hý viện (Opéra) Paris, thì mai đây chẳng còn dấu vết chi của Trường phái Paris phong phú. Nhân anh nhắc Cựu hoàng Bảo Đại, thế lúc đó anh có tham gia chính trị ?
- Không, không bao giờ... Tôi chỉ là một họa sĩ, tôi không làm chính trị. Chỉ một lần, hồi Thế chiến II, tôi cùng với Bửu Hội và Phạm Duy Khiêm đăng lính chống Đức. Nhưng đấy là trí thức tham gia chống nạn Đức Quốc xã. Thời Bảo Đại tôi được mời làm Cố vấn Mỹ thuật, không có gì chính trị. Tôi chỉ muốn làm đẹp cho quê hương. Tôi ghét và chống sự hung ác giết người. Ông Bảo Đại tuy chẳng làm được gì, nhưng không hại ai, không giết nhiều người. Ông Diệm không hung ác, nhưng các em ông ấy, Nhu, Cẩn... và gia đình ông ấy quá tàn bạo, họ giết quá nhiều người. Thời Nguyễn Văn Thiệu cũng vậy. Lý do vì sao tôi không muốn về Việt Nam qua các triều đại này, dù có nhiều anh em mời mọc, thúc hối. Nhưng lòng tôi cũng mong có một ngày trở lại để làm một cái gì đó cho nghệ thuật Việt Nam.
Lepho 10
Lê Phổ trò chuyện với Thi Vũ, Paris 1983
Đối với Cộng sản ấy à ? Dĩ nhiên tôi cực lực chống đối. Thời 1946, lúc Phạm Văn Đồng sang Pháp, tôi rất hăm hở và phấn khởi với khí thế dũng cảm giành độc lập tự do cho dân tộc. Tôi hội nhóm anh em của chúng tôi tại xưởng vẽ của tôi  - lúc ấy còn hàn vi lắm -  và mời Phạm Văn Đồng lại dùng cơm tâm sự. Tôi còn nhớ có Nguyễn Văn Định, Nguyễn Mạnh Đôn, Bửu Lộc, Trần Hữu Tước, v.v... Ai cũng phấn khởi một lòng. Nhưng liền ngay sau đó, tin từ Hà Nội sang, chúng tôi thấy rõ bộ mặt thật Cộng sản của nhóm ông Hồ. Họ chẳng yêu nước gì. Nhất là họ giết người, thanh toán phe quốc gia không thể nào tưởng tượng nổi. Anh em chúng tôi trong nước cũng đông, đều bị họ giết cả. Từ vụ tàn sát anh em công binh ở Marseille, tới các vụ chặt đầu, chôn sống trên toàn quốc Việt Nam. Tôi và bác sĩ Nguyễn Mạnh Đôn là hai người kỳ cựu tại Pháp có thái độ rõ rệt từ đầu bất hợp tác với Cộng sản. Mai Thứ là bạn chí thiết, chúng tôi quen nhau hồi còn bé. Nhưng Mai Thứ ngây thơ nên bị họ lừa. Mãi tới lúc gần chết mới tỉnh ngộ, mới viết thư phản đối Cộng sản...
- Đã giờ cơm. Chẳng dám phiền anh lâu. Xin một câu hỏi cuối : Kỷ niệm Việt Nam nào còn in rõ trong anh ?
- Phải rồi. Kỷ niệm Chùa Thầy. Thực thì có hai kỷ niệm, Chùa Thầy và Cách mạng mùa Thu 45. Thời 45, chúng tôi hân hoan như người vừa được lột da sống đời trước khí thế tưng bừng giành độc lập của toàn dân thanh toán đô hộ Pháp. Nhưng niềm vui ấy quá ngắn và phôi pha. Vì Việt Minh Cộng sản đánh rơi mặt nạ quá sớm. Khiến chúng tôi đau buồn cảm thấy đất nước ta đang cởi ách này để tròng ách khác lên đấy thôi. Ách nào mình cũng chỉ là trâu, ngựa.
Vào những năm 1930, Trường Cao đẳng Mỹ thuật cử tôi đi lấy phác thảo đồ án và các mẫu trang trí trong Chùa Thầy. Tôi về sống đấy một tuần lễ. Cảnh chùa thanh tĩnh trên vùng đất hữu tình. Đẹp nhất lúc hoàng hôn, tôi đứng nhìn những dãy mái cong vút, uốn lượn dịu dàng vẽ lên ráng mây đỏ. Hay những trưa đầy mây trắng. Trước chùa có hồ nước trồng sen phẳng lặng, thỉnh thoảng những con chuồn chuồn đỏ, xanh, điểm nước, những con phù du trượt thành gợn sóng lăn tăn. Phong cảnh thần tiên. Ngoài ra ở chùa Thầy có vô số rui, mèn, cột chống chạm khắc điêu luyện, mỹ miều khôn xiết kể...
- So với chùa bên Trung quốc, anh thấy những họa tiết và chạm khắc khác nhau thế nào ?
- Đẹp hơn. Đẹp hơn nhiều. Mái chùa Việt Nam rất đặc sắc không đâu có. Mái uốn lượn duyên dáng, hòa hài hơn chùa Trung quốc. Nó là kích thước cho hồn người. Về nghệ thuật điêu khắc trên gỗ ở Chùa Thầy, thì ta vượt xa người Tàu và người Nhật. Người Tàu quá tỉ mỉ và chi tiết. Người Nhật quá giản đơn. Việt Nam là thế chiết trung rất đặc thù (juste milieu).
Lepho 11
Chùa Thầy,  thế kỷ XI,  Sơn Tây
Chùa Thầy đẹp đến nỗi tôi từ bỏ ngôi nhà ông lý trưởng dành cho nhân viên Trường Mỹ thuật, đến xin ở hẳn trong chùa. Ở đấy người tôi lâng lâng phơi phới. Ăn chay, nằm sàn, nghe kinh kệ, chuông mõ. Tất cả như làn hương nhẹ nhàng giải thoát quyện quấn người tôi. Nhưng rồi một đêm thao thức nhìn ngắm trần nhà chi chít những mẫu trang trí tạc khắc. Bên ngoài tiếng côn trùng âm ỉ kêu sương lẫn theo tiếng ễnh ương. Thỉnh thoảng vài tiếng chó sủa trong thôn. Bỗng tôi thấy một con mãng xà to lớn hiện ra, cuồn cuộn quấn quanh các cột kèo. Hồn xiêu phách lạc, tôi run sợ, nhưng chẳng dám động mình hay kêu cứu. Suốt đêm không chợp mắt. Sáng ra tôi bạch chuyện với Sư cụ trú trì. Ngài từ tốn xin lỗi : “Ấy lỗi tại tôi quên dặn nhà thầy. Nó là rắn thần đấy, chưa hại ai bao giờ. Tối nào cũng vào chùa xin ăn. Chờ tôi cho ăn. Ăn xong nó rỡn chơi trên trần một lúc trước khi về hang».
Thật không thể nào tưởng tượng nổi. Và đấy là kỷ niệm không bao giờ quên.
Tôi ra về, lòng khó quên hai giờ trò chuyện và sống giữa bao bức tranh trươi mát, hồn nhiên, giải thoát của Họa sư Lê Phổ  - Người vẽ Nắng.
Đã lâu tôi ít được hưởng với người Việt những phút giây thư thái và an bình như thế. Kể từ khi xa nước, kể từ khi xa chùa, kể từ khi người Việt chỉ còn biết trao đổi những khi gặp gỡ các mẩu chuyện chính trị rối ren hay thời cuộc đen tối.
Thanh thản bước xuống năm tầng thang gác. Ra đường thấy lại một thành phố tấp nập, bon chen. Một cõi ngoài. Tôi vụt nhớ tới danh họa Na Uy Edvard Munch cất lời thề nguyền năm 26 tuổi : « I shall paint living people who breathe, feel, suffer, and love. The sacredness of this will be understood and people will take off their hats as though they were in church”  - “Tôi  sẽ vẽ những người đang sống, đang thở, đang cảm xúc, đang đau khổ, và đang yêu. Sự linh thiêng của hội họa sẽ được cảm thông, khiến người xem tranh phải ngã nón như khi họ bước vào thánh đường”.
Phải lắm. Thời đại mà có nhiều nhà tôn giáo cùng những kẽ vô thần đang bán đổ bán tháo chốn linh thiêng, thì chỉ có nghệ thuật còn khả năng mang lại nhiệm mầu cho cuộc sống. Dường như tôi đã mềm lòng, phơi phới  - một hình thức ngã nón -  khi xem tranh Lê Phổ. Y hệt cảm giác ngày xưa Tết đến, tôi theo mẹ lên chùa. Những ngôi chùa đã mất nơi cõi sống bạo hành, bán buôn phồn tạp, tranh đua, sát phạt. Những ngôi chùa chỉ hiển hiện trong tim tôi. Rồi hôm nay thấp thoáng nơi lòng tranh Lê Phổ.
Mai đây, có ai đem về trả lại cho quê hương ngôi chùa ấy, bức tranh ấy ?
Thi Vũ
Về Họa sĩ Lê Phổ
Họa sĩ Lê Phổ sinh ngày 2.8.1907 tại Bắc Việt Nam. Theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội ngay từ khóa đầu tiên với 12 sinh viên năm 1925. Tốt nghiệp năm 1930. Trường này do Họa sĩ Victor Tardieu sáng lập. Anh triển lãm chung với hai Họa sĩ Vũ Cao Đàm và Mai Thứ tại Hà Nội năm 1928. Năm 1932 sang Pháp học bổ túc một năm rưỡi tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Dịp này anh làm cuộc du hành nghệ thuật sang các nước Hòa Lan, Bỉ, Ý và triển lãm tại Rome. Năm 1933, triển lãm tại Hà Nội, cùng năm được phong làm Giáo sư mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và trường Albert Sarraut. Sang thăm Trung quốc năm 1934, nghiên cứu hội họa đời Tống và Minh. Năm 1935 được Triều đình Huế mời vẽ tại Đại nội. Năm 1936 thực hiện bức bình phong sơn mài cho Hội chợ Quốc tế Paris và được mời làm Giám đốc Vụ Mỹ thuật Đông Dương tại Hội chợ Quốc tế này. 1938 triển lãm tại Paris. Năm 1939 cùng với nhà bác học Bửu Hội và Nhà văn Phạm Duy Khiêm tham gia kháng chiến Pháp chống Đức Quốc xã.
Suốt thời Đệ nhị Thế chiến, Lê Phổ triển lãm nhiều lần tại Pháp, Algérie, Maroc, Buenos Aires (Argentina). .. 1945, triển lãm chung với Vũ Cao Đàm và Mai Thứ tại Paris. Từ 1945 đến nay triển lãm nhiều lần tại các nước Âu Mỹ, có khi làm chung với Họa sĩ Nhật Foujita. Tranh Lê Phổ được tán thưởng qua các phòng tranh quốc tề Paris, Bruxelles, San Francisco, Palm Beach, Chicago, New York, Caracas, v.v... Tranh bán với giá cao, có tranh tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại thành phố Paris (Musée d’Art moderne de la Ville de Paris), Bảo tàng Mỹ thuật Oklahoma, Hoa Kỳ, v.v...
__._,_.___
Reply to sender | Reply to group | Reply via web post | Start a New Topic
Messages in this topic (1)
Recent Activity:
Visit Your Group
VĂN Dìu Cánh Phượng Yên Trăm Họ - VÕ Thét Oai Hùng Dẹp Bốn Phương!
-----
Bài vỡ post lên diễn đàn xin gởi về email
hoa_tudo@yahoo.com
Yahoo! Groups
Switch to: Text-Only, Daily DigestUnsubscribeTerms of Use
.

Thi Vũ
Tết ấy năm 1988, Hoạ sư Lê Phổ vào tuổi 80. Một buổi sáng chuông điện thoại reo. Anh Lê Phổ ở bên kia đường dây : “Anh Thi Vũ khoẻ không ? Tôi muốn lên toà soạn mua một ít thiệp xuân, lúc nào anh rỗi ?”. - Trời ơi, anh đi chi cho xa, để tụi này mang thiệp xuống cho anh dùng. Lúc nào tiện cho anh ?  - “Không. Tôi lên thăm toà soạn luôn”.
Những năm ấy tạp chí Quê Mẹ gặp khó. Sáu năm trước đó, nhà in chúng tôi bị tịch biên gia sản vì thiếu nợ thuế của nhà nước Pháp. Thiếu nợ vì đổ xô hoạt động cho con Tàu Đảo Ánh sáng ra Biển Đông vớt người Vượt Biển cuối năm 78 sang năm 79.
Để góp tiền hoạt động chúng tôi in Thiệp Xuân bán trong dịp Tết. Thông qua thiệp giới thiệu hội hoạ Việt Nam. Nhiều tên tuổi như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Mạnh Quỳnh, Bùi Xuân Phái... Anh Lê Phổ cám cảnh ngộ chúng tôi viết giấy cho phép in tất cả những bức tranh nào của anh mà chúng tôi thích.
Cái phép quí giá như thế, mà nay tác giả lại xin đến mua thiệp xuân tranh mình để chúc Tết bạn bè ? Tấm lòng rộng lượng và hào sảng của người nghệ sĩ châu báu biết bao.
Trưa hôm ấy, chiếc taxi đổ trước cổng toà soạn. Anh Lê Phổ bước xuống cùng với chị Paulette, người Pháp vợ anh. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên. Lâu nay chị ít bước ra khỏi nhà, anh cũng thế. Họ sống xa lánh trong một căn hộ ở Paris quận 15. Anh bảo lớn tuổi rồi ngại lái xe, nên đi taxi cho tiện. Để ý thấy anh mang theo gói giấy xi măng khổ lớn, ở đây ta gọi giấy kraft.
Mời anh lên gác uống trà. Anh trịnh trọng nói mục tiêu thăm viếng : Tôi mang lên tặng anh Thi Vũ tấm tranh làm quà Tết, nhân cám ơn bài anh viết về tôi. Mấy chục năm qua, bao nhiêu nhà phê bình nghệ thuật Âu Mỹ viết về tranh tôi, nhưng không ai hiểu tôi bằng anh. Không bài nào tôi ưa như bài này.
Tôi ngỡ ngàng xúc động, giấu nhanh giọt lệ đang lăn.
Bức tranh khổ 75x100 cm, vẽ phụ nữ và đứa con bên bàn hoa ngoài vườn. Nắng oà vỡ bao quanh thành từng đốm chao lộng, hoá thân ra màu, luân lưu qua vùng lân hư như những lằn ranh luân hồi êm ả. Giai nhân ngồi đó. Không tên. Danh xưng tan toả theo từng làn hương của trí nhớ. Toa rập với phập phồng. Môi vô ngôn và mắt khép địa đàng. Mày ngấn dấu trăng xưa trên vừng trán nhẵn luống thời gian. Mọi vật thể biến thành trăm phiến tâm lung linh. Ít ai vẽ được ngọn nắng tâm hồn nhảy bay trên mắt như thế. Chiếc độc bình màu huyền dạ cắm những đoá bình minh. Màu đen tinh anh của Đêm đầu tiên đẻ ra Ngày đầu tiên mà ta đã quên. Nay người hoạ sĩ trả lại. Như vũ trụ chi viện từ bao thiên kỷ cho mặt trời nhú mọc.

bức tranh sơn dầu Lê Phổ tặng Thi Vũ
Thưở ấy anh Lê Phổ không vẽ nhiều như xưa, mỗi năm chừng bốn chục bức. Bức nào vẽ xong các Gallery bên Hoa Kỳ đến chở đi ngay. Mỗi bức giá từ 20 đến 50 nghìn Mỹ kim. Vẽ bao nhiêu bức họ cũng lấy, họ thúc hối thường xuyên, nhưng anh bảo già rồi không ngồi lâu trước giá vẽ được.
Tôi quen anh Lê Phổ vì một sự tình cờ.
Những năm 50 thấy tranh anh trên bìa một tạp chí Công giáo hình Đức Mẹ in vào dịp Noël. Dưới góc tranh đề tên Lê Phổ bằng chữ Hán. Tên anh đi vào trí tò mò của tôi từ đấy. Tôi yêu thơ và hoạ, nên la đà theo hai lĩnh vực này. Bẵng đến đầu thập niên 80 nhân một buổi chuyện trò với anh Đoàn Đức Nhân, người cựu bí thư của Cụ Nguyễn Hải Thần thời cụ về Hà Nội chấp chính. Anh chạy giặc sang Đài Loan rồi về Việt Nam năm Mao Trạch Đông chiếm Trung quốc. Tôi nói với anh Nhân giấc mộng muốn in một cuốn Truyện Kiều thật đẹp, thật trang trọng, kèm theo tranh vài danh hoạ Việt Nam. Gặp Hoạ sĩ nào tôi cũng ngỏ ý, nhưng ai nấy đều thờ ơ với giấc mộng tầm thường lại vô ích. Dù tôi bảo, mỗi gia đình cần có một cuốn Kiều như thế, không lật ra xem, không đọc cũng chả sao. Nhưng trên giá sách phải có một cuốn Kiều thật trang trọng. Hồn thơ thiêng sẽ toả vào đời họ mỗi ngày. Lâu hoá nhập tâm, thành Nguồn Thơ đứng dậy. Mỗi gia đình đã không có một bàn thờ tổ tiên đó sao ? Bàn thờ ấy có vô tích sự không ?
Chuyện vãn với anh Nhân tôi vụt miệng bảo không biết Hoạ sĩ Lê Phổ còn sống không. Vẽ được Đức Mẹ tất sẽ vẽ Kiều thành công. Những họa sĩ khác chỉ biết Kiều bằng chữ, chưa thấy Kiều qua hình tướng vô hình.
Lê Phổ học khoá đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà nội với 12 sinh viên đầu và tốt nghiệp năm 1930. Trường này do hoạ sĩ Victor Tardieu, bạn của Matisse và Rouault, sáng lập. Sau đó Lê Phổ qua Pháp rồi mất tích trong dư âm tôi.
Anh Nhân bảo Lê Phổ còn sống, ở Paris này này. Tôi vừa ăn cơm nhà anh bữa nọ, anh Thi Vũ muốn tôi dẫn đến thăm? Thế là chúng tôi gặp nhau trong bữa cơm tối tại tư thất anh Lê Phổ. Hôm ấy anh làm món thịt kho mà theo anh nói kho liu riu mười lăm giờ đồng hồ. Quả là ngon. Thịt vào đầu lưỡi tan nhanh chất béo rượi quyện theo vị ngọt dịu và thơm. Bí quyết nấu ăn là định lượng pha trộn giữa hai chất mặn và ngọt. Không ngọt đường mà chất ngọt lẵn trong vật liệu thực phẩm. Anh khui chai rượu vang Chateau Lynch Bages, loại Pauillac Medoc, năm 1954, nói với chúng tôi : Năm thay đổi cuộc đời chúng ta.
Đêm thân tình hiếm quý. Anh Lê Phỏ kể lại quãng đời ly hương, thoạt đầu khổ như thế nào, vô danh như thế nào, khó chen chân với các danh hoạ ở Pháp như thế nào... Năm 1946 anh gặp ông Hồ Chí Minh. Anh mời ông Phạm Văn Đồng đến gặp nhóm bạn hữu của anh và dùng cơm nơi xưởng vẽ của anh. Anh háo hức biết bao với nền độc lập dân tộc. Nhưng cùng với một số trí thức, văn nghệ sĩ ở Pháp thời ấy, anh thất vọng với nhóm Cộng sản đệ tam khi hay tin họ thanh toán anh em yêu nòi giống bên nhà.
Tôi ngỏ ý xin trở lại xem tranh và làm cuộc phỏng vấn cho tạp chí số Xuân. Từ đó chúng tôi trở thành đôi bạn vong niên chí tình.
Nhớ như trong bài phỏng vấn ấy anh ước vọng tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Việt Nam 20 tấm tranh. Bài viết in ra gây hai điều lý thú. Một là rất đông người Việt tưởng anh đã quy tiên từ lâu, ai ngờ anh còn sống và lừng danh quốc tế. Điều sau, là Hà Nội cử một Việt Kiều ở Pháp tới tiếp xúc, rồi gửi một hoạ sĩ từ Việt Nam sang thăm anh để xin anh 20 tấm tranh cho Bảo tàng quốc gia ở Hà Nội. Anh gọi dây nói cho tôi hỏi ý kiến. Tôi đáp : “Anh phải dành 20 tấm tranh cho quê hương Việt Nam, anh nhớ dặn chị và các cháu thi hành việc đó. Nhưng anh ơi, mấy ông Cộng sản chưa biết yêu người thì làm sao họ yêu tranh “tiểu tư sản” của anh”.
Nói là nói thế thôi, lâu sau gặp lại tôi hỏi anh đã gửi tranh về Hà Nội chưa ? Anh bảo : Tôi dặn Paulette nếu tôi có chết trước, thì chờ Việt Nam thanh bình, tự do mới gửi tranh về.
Anh Lê Phổ mất tại Paris ngày 12.12.2002, năm 94 tuổi, yên ả giữa vòng tay vợ con thân yêu và chôn tại nghĩa trang Montparnasse.
Thế là đã sáu năm tôi xa anh, một người anh hiền từ và tài hoa thiên phú. Anh Lê Phổ và anh Quách Tấn là hai người Việt Nam độc nhất trong đời này chưa phát một lời phê phán, nói xấu bất cứ ai khi chuyện vãn hay thư từ với tôi. Dù tôi biết hai anh gặp rất nhiều chuyện bạc bẽo trong đời.
Và đời tôi chưa lần nào được khoản tiền nhuận bút cao như thế khi viết bài. Mỗi bức tranh Lê Phổ trị giá từ hai mươi đến năm mươi nghìn Mỹ kim vào thập niên 80 thế kỷ trước.
Chuyện đã lâu, bài viết về Lê Phổ không chắc có ai đọc hay nhớ, tôi đem ra nhuận chính để đăng lại dưới đây làm kỷ niệm mối tình bạn.
Thi Vũ
Paris, giáp Tết Mậu Tý, 2008

Hoạ sĩ Lê Phổ, Người vẽ Nắng
Nguồn nắng nơi chân mây
Vũ trụ đã được chiếu soi bằng hình ảnh trái đất. Hay ngược lại thì cũng thế. Mặt trời được chiếu soi bằng lá rừng và bọt sóng. Tây phương được chiếu soi bằng lóng nắng Đông phương. Paris cũng xinh tươi, ấm nồng dưới bước chân đầy nắng những Nàng Tiên Việt lăng lẽ từ phòng vẽ Lê Phổ đi ra.
Đời loé ra từ những ảo giác nghệ thuật như lửa giữa đá.
Cuộc sống trăm năm con người là sự kiếm tìm một ánh nắng. Những kẻ chịu lên đường ra đi, tưởng bèo tắp mù khơi, lại tìm thấy nguồn nắng cuối chân mây.
Paul Klee bỏ Âu châu mà đi, vứt nền văn minh đồ sộ sau lưng. Tới Bắc Phi châu trầm mình 12 ngày ở Qayrawàn mới thấy suối nắng để phát kêu lên : “Sắc màu choáng ngợp tôi... Sắc màu vào trong tôi thành một !”. Kể từ đó Paul Klee khác đi, ứng thân vào đời mới, một giai hoạ mới. Edvard Munch, Van Gogh, Picasso, Miro, Modigliani, Whistler, Chagall, Ensor, Foujita, Zao Wu Ki... rời bỏ quê hương Na Uy, Hoà Lan, Tây Ban Nha. Ý Đại Lợi, Hoa Kỳ, Nga, Bỉ, Nhật, Trung hoa... mà đi, mới tìm thấy nguồn sống cho đời và tranh họ.
Lê Phổ cũng thế.
Cùng với Vũ Cao Đàm và Mai Thứ họ đến và ở lại Paris từ năm 1937. Paris, quê hương của giới nghệ sĩ, nơi tác thành bao triều lộng cho thi ca, văn học và hội họa. Paris không áp đặt mỹ quan độc đoán, ý thức hệ chuyên chế hay chủ trương chính trị nào cho nghệ thuật. Trăm hoa cứ đua nở. Paris không đòi hỏi, không đặt điều kiện, không ký giao kèo. Paris là lữ quán  lãng đãng đón khách thập phương. Một lần đã tới ít ai bỏ đi. Thảng hoặc ra đi, dấu vết vẫn còn lưu hay giữ gìn nguyên vẹn như mối tình đầu trong tim người nữ.
Độ lượng và khoan hồng như khoảng trời xanh biếc, Paris chấp chứa muôn nghìn sắc mây, mưa, nắng và trăm chim. Mọi khoan hồng đều mang mẫu tính. Nhiều tài hoa bốn biển đã cắm tích trượng xuống Paris, dựng lên những núi đồi văn học, lâu đài nghệ thuật, trường phái mới lạ.
Về hội hoạ, Trường phái Paris (Ecole de Paris) lại do các danh hoạ ngoại quốc dựng nên, chứ không riêng người Pháp. Còn thêm ảnh hưởng sâu đậm đến từ hội hoạ Nhật bản và Trung hoa trong nền hội hoạ cận đại ở phương Tây. Tất cả đó thổi luồng sinh khí mới vào hội hoạ cổ điển Pháp hao mòn sau nền kiến trúc Nhà thờ suốt mười thế kỷ.
Một Việt Nam chiến tranh và huynh đệ tương tàn đã đánh mất Lê Phổ. Nhưng con người ấy không để Việt Nam mai một trong tim mình. Qua năm mươi năm ròng, đơn độc, âm thầm, anh dùng sắc màu tích luỹ nguồn Nắng mong sưởi ấm nơi chôn nhau cắt rốn. Cùng thời gian ấy, bị vùi dập, đảo điên, dường như chúng ta sẩy tay làm sổng mất luồng Nắng mướt năm nghìn năm vàng mật ?
Họa là gì ?
Đặt xong câu hỏi khá lý thuyết và thời thượng : «Họa là gì ?», ta ngồi chờ câu đáp tràng giang đại hải moi móc từ các thế giới quan  - Weltanchauung -  hay những uẩn ức triết học của bao kẻ học đòi làm họa sĩ  - bằng lời thay vì bằng tranh. Nhưng với Lê Phổ, vấn đề giản dị hơn, bình nhật nơi ngày thường :
«Tôi họa sao cho người ta thích và đem treo lên tường. Với tôi, vẽ là hành hương vào nội tâm. Vẽ là giú một trái chín. Con đường dài lắm. Nhiều anh em trẻ vội vàng, mong chóng thành công nên lao theo lối vẽ trừu tượng (abstrait). Đây là điều không nên. Trừu tượng hay không, họa sĩ phải có nét vẽ (dessin), phải biết dùng màu...».
Dễ hiểu thật. Họa là vẽ và sử dụng màu. Nhưng sử dụng sao đây ? Đấy là học tập, là hành trình, có thể gọi như hành hương. Cuộc hành hương về Họa của Lê Phổ trải gần 60 năm. Năm nay anh 76 tuổi. Nhưng suốt hai giờ nói chuyện, chưa một lần anh chịu định nghĩa hay nói lên lý thuyết, trích dẫn các bí quyết. Chưa một lần anh xác nhận mình đã đạt tới chân họa, mình là họa sư, mình có thể dạy cho đời vẽ. Dù từ năm 1932, anh là giáo sư mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và tại trường Albert Sarraut. Anh từ tốn, khiêm cung, không kiểu cách, anh kể cuộc đời học tập nhẫn nại của mình. Không phê phán, không chê khen. Điềm đạm và hồn nhiên nói như một thiếu niên kể chuyện trường ốc cho cha mẹ hay láng giềng nghe.
Họa là vẽ và sử dụng màu. Có chi cao kỳ đâu ? Hàng triệu sinh viên mỹ thuật đã làm việc ấy tự bao đời ? Họ tập chép vẽ các họa phẩm của Michelangelo, Scopias, Phidias..., tập pha màu theo Raphaël, Rubens, Tintoretto.. . Thế mà sao danh họa chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số triệu người kia ?
Tranh cấu thành khá giản dị. Nhưng làm sao cho tranh thành tác phẩm, thành kiệt tác ? Ta thấy một tà áo tím, một bãi cát vàng, bóng lá lục... Xúc động muốn ghi giữ, ta phất lên màn tranh trinh trắng những loáng tím, vàng, lục. Dễ quá. Nhưng làm sao bắt cầu liên hệ giữa ba khối sắc màu này ? Lắm khi các màu chõi nhau, hãm chống nhau. Họa bắt đầu từ đó : người họa sĩ vận dụng các đường nét, vẽ mối liên giao sắc màu. Diễn tả ngọn lá, bông hoa, giai nhân, một vẻ đẹp hình thể, dù có hoa tay vẫn chưa đủ. Vẽ xong hình dáng giai nhân. Nhưng còn phong vận diễm kiều, còn mối duyên thầm của nàng ? Thế cũng chưa xong. Họa đòi hỏi ngôn ngữ và ý nghĩa hình thể qua đường nét. Dù đường nét hay màu sắc giảm độ in giống, mà chiếc máy ảnh sẽ tài tình hơn, nhưng lại thiếu sự thăng hoa của khối hình, thành nghệ thuật với những lung linh sinh động của nhân sinh và vũ trụ.
Giai nhân màu áo nắng

Cảm nghĩ trên đây chạy qua tôi thành niềm thán phục hôm bước vào phòng vẽ nhìn bức tranh đang họa của Lê Phổ.
Tất cả hình dung nguyên vẹn, từ hoa lá, trái cây, cửa sổ, dáng người và trang phục. Tuy khác với tấm ảnh Polaroid. Ở đây là sự lung linh di động. Thoáng như thấy người trong tranh cử động. Tôi xuýt hóa thành Tú Uyên về lại phường Bích Câu.

giai nhân màu áo nắng, tranh sơn dầu Lê Phổ, 1984
Tất cả hình dung nguyên khối. Nhưng sao cảm giác trừu tượng lại hiện ra ? Phải chăng đường nét biết co duỗi, loảng tan điệp với sắc màu ? Màu gợn lên rung cảm. Ta muốn mang tranh về treo lên tường vách chốn lưu đày. Không để vui mắt. Tranh vui mắt là tranh trang trí, treo cho lấp một khoảng trống mong tô điểm nỗi quạnh hiu kiếp người. Tranh Lê Phổ không là tranh trang trí. Ta nghe qua màn tranh tiếng sắc màu thầm thì. Người họa sĩ nhập một vào màu, ẩn giữa lòng tranh chuyện vãn cùng ta. Chưa nói tới giai nhân, chiếc độc bình, trái đào, quả táo, nụ hoa, khung cửa, mặt bàn... Mọi vật mang những nội tâm riêng, cách sống riêng, mà nhịp điệu gây mơ hay xao động lòng người xem tranh. Vĩnh cửu vừa nhập cảnh, đặt chiếc hôn lên đường nét.
Hoa đó không là hoa nhưng lại chính là hoa. Người đó không phải người nhưng lại chính là người. Những nếp màu chập chùng giai điệu. Xoắn xít hỏi han, nồng nàn hơi thở. Tóc đó là trọng lực của đời ta. Cổ đó là hải đăng ta ngóng chờ hy vọng. Ngực đó là nỗi ta phập phồng giữa mùa yêu dấu. Người đó là giống nòi ta tràn khắp thinh không.
Màu vàng chiếc áo hắt lên chòm hoa, rụng đầy vỏ táo, phả tới tường hồng, dạt theo nhánh lá đuổi đùa sắc xanh. Tất cả kết cánh chen đua, tuyệt vời rực rỡ.
Trước khi gặp Lê Phổ tôi yêu thích hai màu vàng trong hội họa Tây phương. Màu vàng của Van Gogh và màu vàng của Vermeer trên mặt tường thành phố Delft. Màu vàng của Van Gogh là màu của trí não khổ đau bị ánh lửa những vì sao chổi đốt cháy. Màu vàng Vermeer là màu tằm vừa ươm nơi vùng hàn đới đợi hè.
Duy màu vàng của Lê Phổ mới là màu nắng lung linh, ray rức nơi quê hương yên ả, mà hôm nay tôi mới được chạm sờ giữa cơn đông lưu xứ.
Mọi đau khổ đã nhẵn thín trong tranh Lê Phổ. Tranh anh là những con sông màu, sóng sảnh những niềm vui. Những nụ cười không bật vẫn cứ ran vang. Những lặng thầm dậy sóng. Những vô ngôn hót lời. Tất cả chảy trôi mênh mông phiếu diễu, phới lên niềm hẹn ước, vợi tới chốn hẹn hò.
Sáu mươi năm hành hương trong hội họa. Anh không hề nói ra, tuy ta cảm nhận anh đã về tới chốn tối hậu của thực tại sắc màu. Bức tranh không phô bày khách thể hay chủ thể, những thực tại phiến diện. Vì sắc màu và đường nét Lê Phổ cư trú nơi thực tại tối hậu được ta nhận ra khi đối diện màn tranh. Như đứa con nhận ra mẹ mình giữa nghìn triệu phụ nữ. Đường nét không tả chân, mà lộ vào sức sống thành chuỗi hình thân thuộc của ý và đời, của kỷ niệm hay dự phóng. Nhởn nhơ trên vùng trí nhớ gọi kêu sáng tạo.
Nếu Việt Nam là nước lớn hay phú cường như Nhật Bản, thì danh Lê Phổ đã đứng cùng Matisse. Ai đó cầm quyền, biết chăng trọng trách văn hóa phải cưu mang cho giống nòi trên trận địa hành tinh ?
Con đường xưa
Người có công hướng dẫn Lê Phổ là họa sĩ Victor Tardieu, bạn đồng song với Rouault và Matisse. Ông sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1925. Áp dụng phương pháp hội họa mới mẻ. Ông tôn trọng thần tính đặc thù nơi mỗi quốc gia, nên bắt sinh viên trở về tắm gội trong nền văn hóa nước mình. Thay vì ngồi cóp chép các họa gia Hy lạp hay Âu châu tại các trường mỹ thuật ở Pháp, ông bắt các sinh viên đi thăm các ngôi chùa lịch sử miền Bắc. Trầm mình vào nghệ thuật Việt Nam cổ, sao chép các hoa văn trên trống đồng, chuông, bia... cùng những mô típ trang trí trên rường, cột, tường vách các ngôi chùa. Lê Phổ cùng với Vũ Cao Đàm, Mai Thứ... nhập khóa đầu tiên. Họ là lớp đàn anh các họa gia cận đại Việt Nam.

Hoa Mẫu đơn, 1937
Chim Cu ngói, 1937
Năm 1937, Lê Phổ được chỉ định làm Giám đốc Vụ Mỹ thuật Đông Dương tại Hội chợ Quốc tế Paris. Từ đó ông không còn dịp trở về quê hương. Hỏi cảm tưởng anh ngày đầu đến Pháp, anh đáp :
«Chúng tôi thấy mình mất đi 15 năm. Lúc ấy chúng tôi vừa trạc 30 tuổi, gặp các họa sĩ quốc tế, Pháp tại Paris mới thấy họ tiến quá xa trong hội họa. Mình chẳng là cái gì cả, ngoài lối vẽ bắt chước Trung hoa. Trong nước, không có cạnh tranh, tìm tòi, không có bạo gan khám phá, không có không khí sáng tạo. Đâu đâu cũng chỉ là lối mòn, những «khuôn vàng thước ngọc» đã lỗi thời so với thế giới. Thời ấy Châu Âu đã rầm rộ với đủ trường phái đua chen, nào Biểu hiện (Expressionisme) , Ấn tượng (Impressionisme) , Tân ấn tượng (Néo-impressionisme) , Lập thể (Cubisme), Siêu thực (Surréalisme) , v.v... Chẳng ai thèm nói chuyện, trao đổi với mình. Ba mươi tuổi trong hội họa là đã già. Lớp họa sĩ trẻ thời ấy họ chê mình già và lạc hậu. Chúng tôi đành cắm đầu cắm cổ tìm hiểu, tìm học kỹ thuật phương Tây. Sau đó, tôi đi thăm Trung quốc nghiên cứu thêm về hội họa cổ, thăm Ý Đại lợi. Ở lại Ý khá lâu, tôi chấn động trước nền họa phong phú và thần tình của Ý».
Nhìn những tác phẩm của Lê Phổ, chúng ta thấy dấu vết học hỏi, tìm tòi này. Đầu thế kỷ XX, tranh anh vẽ không thua gì tranh Trung quốc. Tôi được ngắm nơi phòng khách nhà anh bức «Hoa mẫu đơn» diệu vợi. Chiếc độc bình nõn nà sắc trắng trinh bạch quyến cùng hoa lá. Mẫu đơn như từ đấy mọc ra. Chút mờ ảo sương khói, chút vần vũ khói hương, chút nhớ nhung tiền kiếp. Nếu bỏ đi khuôn triện và tên Lê Phổ dưới góc tranh, ai bảo đấy là tranh đời Tống, đời Minh, tôi sẽ gật đầu khen đúng.
Bước chân tới Pháp vào năm 1931, anh theo học khóa bổ túc một năm rưỡi tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Sau đó về nước làm giáo sư hội họa một thời gian tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và trường Albert Sarraut. Bức tranh Fiesole vẽ trong thời gian đến thăm Ý đại lợi năm 1931. Tranh rặc Tây phương với chút hơi hám Lê Phổ qua phớt màu phấn nhạt (pastel) phương Đông hay những rặng dọc không gian theo chiều đứng của lá phong lan. Phải chăng đây là cảm quan của hai tâm trạng ? Con người Việt của Lê Phổ sống trên đồng bằng sông Nhị bát ngát tới biển Thái bình, nên tình cảm và thần trí quyện vào nhau nhất quán. Gặp phong cảnh Ý đại lợi ảnh hưởng vào bản thân mỗi người qua những đồi núi chập chùng không hòa tâm mà cách ngăn khiến con người hướng thượng tìm lối ? Tuy nhiên, niềm hồn nhiên phiếu diễu đã đeo đuổi Lê Phổ từ đầu. Thời vẽ bức Fiesole, chơi vơi còn là sợi tìm lên chiều cao. Nhưng mười lăm năm qua, niềm hồn nhiên phiếu diễu ấy phá toang ranh giới, tung ngang và vờn bay khắp mọi chiều, rộng thinh không gian.
Giotto và Lê Phổ : cuộc đối thoại Đông Tây
Trên cuộc hành trình thăm Ý, anh khám phá các danh họa thời hoàng kim Phục Hưng (Quatrocento) . Anh chiêm ngưỡng Fra Angelico, Pierro della Francesca, Botticelli, Ghirlandajo. .. Anh tôn sư Fra Angelico và Pierro della Francesca như người chỉ đạo (maître penseur) trên bước đường học họa. Phải chăng thời ấy Lê Phổ còn say mê với phối cảnh, nên nhận ra sự áp dụng tài tình những luật tắc kỷ hà trong tranh Francesca ?
Pierro della Francesca của thời Ý đại lợi vừa chấm dứt giai đoạn Trung cổ bước vào thời Phục Hưng (Renaissance)  - thời hoàng kim của hội họa và nghệ thuật Châu Âu. Trước đó không lâu, danh họa kỳ vĩ đẻ ra nền hội họa Phục Hưng là Giotto. Lần đầu tiên Giotto khám phá ra hai chiều không gian và đưa vào tranh. Nhờ đấy, Masaccio bước thêm bước nữa, tìm ra ba chiều không gian. Nhưng áp dụng thần tình các luật tắc kỷ hà (hình học) thành tác phẩm hội họa, thì phải đợi tới Pierro della Francesco. Công trình khai phá nghệ thuật ấy đóng góp cho sự ra đời một nền văn minh và tư tưởng mới mấy thế kỷ sau tại Châu Âu. Sáng tạo nghệ thuật đẩy cuộc tiến hóa tinh thần và xã hội đi tới. Sáng tạo nghệ thuật ấy chắt lọc từ khổ đau, suy tư dằn vật của đám dân nghèo khổ lụy vì thiên tai, nội chiến, hay giới quý tộc bóc lột, hoặc tộc họ, bọn cầm quyền cưỡng bức.

Fiesole, 1931
Hai đỉnh sáng thời Phục Hưng là thi hào Dante và họa sư Giotto. Tác phẩm thơ, họa của hai người khai mào cho tinh thần phê phán Đức qua Luther, Phương pháp mới của khoa học (Novum organum scientiarum) bên Anh với Bacon, và phương pháp học Pháp với Descartes làm nền cho cuộc giải phóng nhân loại có một không hai trong lịch sử loài người : cuộc Cách mạng khoa học và kỹ thuật vào giữa thế kỷ XX.
Qua cuộc cách mạng nghệ thuật thời Phục Hưng, từ Giotto đến Michelangelo, Leonard da Vinci..., các nghệ sĩ Ý thành công giải phóng con người khỏi sự nô lệ thần quyền và quý tộc. Đồng thời tạo điều kiện cho khoa học nẩy sinh.
Lê Phổ, con người đến từ phương Đông, hẳn phải ngạc nhiên, chấn động trước sự phong phú, mỹ miều và mới lạ khi tiếp cận với các danh sư thời Quatrocento. Đó là thời kỳ anh vẽ nhiều tranh tôn giáo : Giáng sinh (1941), Xuống cây thánh giá (1941)... Ta thử nhìn bức Xuống cây thánh giá (Descente de la croix) của Lê Phổ tất sẽ nhận ra nét tài hoa của người họa sĩ Đông phương.
Một người Việt Nam đứng bên cạnh một người ngoại quốc, không thấy gì kém yếu mà còn bày ra nét đặc thù phong phú. Một người đẹp da vàng cạnh người đẹp da trắng, đời phới thêm kiều lệ. Cũng thế, để bức tranh Việt cạnh tranh các danh họa quốc tế, mà không thấy nó hổ ngươi thì biết ngay chân tài họa sĩ nước ta.
Khỏi tìm đâu xa. Hãy đặt bức Xuống cây thánh giá của Lê Phổ vẽ năm 1941 cạnh bức Xuống cây thánh giá Giotto vẽ vào thế kỷ XV. Hẳn ta biết Giotto là bực thầy của nền hội họa Phục Hưng. Ta thấy gì ? Đây không còn là sự cóp chép, đạo họa (plagiat).
Giở cuốn «Nghệ thuật tạo hình Việt Nam» do Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội phát hành năm 1975. Tập sách nhiều tranh màu này phải nhờ một nhà in ở Budapest, Hung Gia Lợi, ấn loát. Ngoài một vài họa sĩ có nét trước 1945, ta đau buồn nhìn thấy sự nghèo nàn, khô chết trong nền hội họa Xã hội chủ nghĩa. Từng bức, từng bức cóp chép loại tranh tả chân tuyên truyền đồi phế, mất thần. Loại nghệ thuật được vinh danh là chủ nghĩa hiện thực xã hội.
Cùng một sự đau khổ của nhân dân, cùng những điêu linh của thiên tai và nội chiến, ba bốn thế kỷ trước đây, các nghệ sĩ Ý diễn tả thần tình và điêu luyện trên màn tranh. Ba mươi năm chiến tranh với khổ đau trầm thống cùng sức quật cường của dân Việt, mà sao tranh nơi Xã hội chủ nghĩa lại thô lược, nghèo nàn như minh họa quảng cáo ? Dưới lớp màu giản lược kia ta không gặp những đường nét sinh động, ngoài nhiệt tình ồn động nơi bản năng loài thú. Kỹ thuật của người họa sĩ Xã hội chủ nghĩa xem ra còn vụng về và thua kém lối bích họa trong hang động thời tiền sử.
Buồn hơn nữa, khi giở cuốn «Nghệ thuật Việt Nam Hiện đại» do Nha Mỹ thuật Học vụ, Bộ Giáo dục ở Saigon xuất bản năm 1962. Cũng thế. Được học tập , màu sắc chỉnh, thể tài phong phú hơn xa miền Bắc. Song ngoại trừ vài ba vị họa sĩ đàn anh, tất cả tranh còn lại gợi trong ta sự cóp chép vụng về, thô thiển các trường phái lập thể, trừu tượng, ấn tượng ở phương Tây. Xem tranh Việt nhưng đầu óc hiện về từa tựa tranh Maneissier, Pollock, Picasso, Modigliani, Poliakoff. Mark Tobey, Wols, Mathieu, Soulages... Nghèo và thảm.
Nhưng nay nhìn Lê Phổ và Giotto qua cùng thể tài, ta không hổ thẹn, không mặc cảm. Ta hãnh diện. Cùng thể tài Đức Mẹ đỡ Chúa Ky tô xuống cây thánh giá, nhưng hai lối nhìn, hai cung cách thể hiện, hai suy tư, hai tinh thần Đông Tây khác lạ.
Tranh Giotto là sự nổ bùng cá thể trước mệnh đời. Con người phá toang biên cương giới thể và khổ đau. Nhưng bị đức tin và và tư tưởng độc thần hãm lại. Nên đành nương vào sự cứu rỗi của Thượng đế tối cao đầy thi vị và trữ tình. Khổ đau ở đây được chiêm ngưỡng, thay vì giải quyết hay diệt trừ  - nói từ phạm vi nhân sinh. Khổ đau thành thánh ca. Chúa Ky tô nhắm mắt, hoàn thành một nhiệm vụ, khép lại một đời người. Không nói gì thêm. Tất cả cùng nhất tâm chấp nhận, thác sinh ra thông điệp hy vọng của tin lành. Đức Mẹ không khóc lóc. Bà xuất hồn vào đứa con mình mà cũng là Trời mình. Đứa con trọng hệ như niềm tin quyết, nhưng hoan lạc, hết nghi hoặc : vòng đôi tay nâng một cánh hoa, không phải xác người. Mắt mẹ nhìn vào đứa con : một cá thể muốn vẹn toàn cá thể. Cũng là đôi mắt người đàn bà nhìn vào chốn linh : một cá thể bốc bay về nguồn nương tựa, một tình yêu áo bọc điều trân quý.
Người mẹ thần thoại ấy nào ai khác những phụ nữ bình dân Ý đang bị bọn quý tộc giày xéo thời phong kiến, bị lao động nhọc nhằn trên đồng áng, bị đàn ông xài xạc dù đó là chồng, con mình. Giới phụ nữ bị hy sinh, bị quên lãng, bị biến thành công cụ, nay nhờ tiếng nói của hội họa mà đứng lên, thét đòi quyền sống, quyền hiện hữu. Hình như những người đàn bà ấy nói : Chúng tôi có mặt đây, chúng tôi đang hạ sinh cho trái đất những đứa con và niềm hy vọng. Tiếng thét ấy, quyền cá thể hiện hữu ấy được Giotto dùng tranh nói lên. Sau ông, một đoàn lớp danh họa thời Quatrocento tiếp tục thét lớn cho đến ngày người phụ nữ được bình quyền.
Bức tranh Lê Phổ mang cùng thể tài rước Chúa xuống cây thánh giá. Nhưng phong cách Đông phương lóe lên trong cái nhìn. Bao nhiêu thế kỷ, cá thể con người phương Đông không bị bức bách như ở Tây phương. Người Đông phương hòa đồng cùng nòi giống, thiên nhiên, vũ trụ hay với thần linh. Từ khởi thủy, con người phương Đông là thế đứng nhân quyền giữa trời và đất. Vì vậy Đông phương không có tuyên ngôn nhân quyền. Mặt Chúa Ky Tô trong tranh Giotto chấp nhận cái chết, chấp nhận trăm năm một đời người. Mặt Chúa Ky Tô trên tranh Lê Phổ biểu thị sự cưu mang khổ lụy dù phải bước tới vô biên. Như cái rước thân của Bồ Tát. Trũng mắt trong tranh Giotto khép đậy đời người, chờ ngày phán xét. Trũng mắt nơi tranh Lê Phổ dồn đọng khổ đau chốn Sa bà, ta cảm nhận sức hút hai quả mắt lún kéo vào lòng đất. Người Mẹ trong tranh Lê Phổ không nâng đầu Chúa như nâng cánh hoa của Niềm Tin, mà bà xốc nách, siết vào lòng mình bằng chiếc ôm bảo bọc, cưu mang. Bà không nhìn con, vì con đã ở lòng bà. Bà nhìn xuống thế gian đau khổ, nhìn xuống thế phận kiếp người. Cái nhìn lắng nghe quán thế  - cái nhìn Từ bi. Cái nhìn không tố cáo, điểm chỉ, không căm thù. Đó là cái nhìn cứu khổ. Ôm siết Chúa Ky Tô cũng là ôm siết đời để giải cứu, để thánh hóa cái sống.

Xuống Cây Thánh giá, Lê Phổ 1941. Xuống Cây Thánh giá, Giotto, thế kỷ XV
Trên tranh Giotto, thần học Tây phương chiêm ngưỡng và tụng ca khổ đau, chờ ngày phán xét. Một đợi chờ thủ phận  - Que ta volonté soit faite -  nay hóa sinh trên tranh Lê Phổ Đông phương thành cưu mang đáo bỉ ngạn  - Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi svāha. Mẹ và Con không là hai cá thể quyến vào nhau tìm phương bảo vệ. Vì Mẹ và Con là thực thể tâm linh làm đê chắn những gợn sóng bạo hành, tàn ngược như những kiếp phù sinh. Trong tranh Lê Phổ, Mẹ và Con đưa một cái nhìn xuống và một cái nhìn lên không gặp gỡ. Lạ thay, cùng chạm tới bờ mút của cái NHÌN THẤY đời, người và trời đất. Cái nhìn của sự tựu thành. Mắt Chúa Ky Tô qua tranh Lê Phổ chưa là dấu chấm một giai kỳ, vì mang hạnh nguyện chuyên chở giải thoát, mài khổ đau cho nhẵn. Như kẻ mài đá kiếm ngọc.
Cùng một thể tài nhưng hai phong cách. Giotto và Lê Phổ hợp nhất tài tình suy tư và tình cảm. Họ là những kẻ phác họa Chân như. Vô tình và bất ngờ cuộc đối thoại tư tưởng và nghệ thuật Đông Tây thể hiện trên hai bức tranh cách nhau năm thế kỷ. Dường như đạo Thiên Chúa được Việt hóa qua tranh Lê Phổ.
Vào cùng thời kỳ này, anh thoát ly lối thể hiện Trung hoa để vào cuộc đồng thoại với Tây phương khai phá con đường hội họa Việt Nam. Chuyển hướng thấy rõ qua bức Mẫu tử (1938), Tĩnh vật (1938), Thiếu nữ bên hàng hiên (1938), Thiếu nữ cầm hoa huệ (1938).

Thanh nhàn, 1943
Sau đấy đi vào thời ảnh hưởng Bonnard. Bonnard và Matisse là hai danh họa Lê Phổ nể phục. Ảnh hường hội họa Nhật Bản, Bonnard và phái Ấn tượng đưa vào hội họa Pháp nhiều sắc màu tươi mát. Bonnard trở thành bậc thầy của ánh sáng và sắc màu, người minh họa thần tình đời sống nội thất qua các vật thể hằng ngày. Dưới bàn tay Bonnard phù thủy, mọi sự đảo nhanh, sinh động, nói năng, cảm giác. Vài khi tranh Bonnard mang biểu tượng đồi phế, nhưng thứ đồi phế thác sinh ra phong vận mới. Thủ lãnh nhóm Nabis, Bonnard cho ta cảm giác ông là người sáng tạo chuyển thời hồi đầu thế kỷ XX.

Trang điểm, 1942

Trong vườn, 1963
Nhắc  tới Bonnard, Lê Phổ không tìm ra lời. Anh ấp úng. Anh trầm ngâm thán phục. Lâu sau bật lên chữ Orfèvrerie  - không thuộc nghề kim hoàn, mà là sự chuẩn xác như chạm trổ, tuyệt sắc như ánh màu.
Màu tím bồ quân, xanh ngắt, lục đậm... chen chút sắc vàng còn ngái và đục trên tranh Lê Phổ giai đoạn 1940 – 1950 là dấu ấn ảnh hưởng Bonnard (xem bức Thanh nhàn, 1943).
Bình minh thấp thoáng
Sau này về ở Nice, gặp và đánh bạn với Matisse, Lê Phổ gợi hứng và tìm ra con đường riêng biệt cho hội họa mình. Anh thanh toán hai chặng đường : vẽ theo tranh Tàu và vẽ theo các danh họa phương Tây. Từ 1960 cho đến nay là đường riêng Lê Phổ mà cũng là con đường hội họa Việt Nam kết tinh bằng tổng hợp. Anh là nhánh sông lớn, hút dưỡng nguồn rừng Việt tiếp nuôi đại dương nhân loại.
Màu tranh anh rất sáng và tươi. Trong veo.
Debussy đưa hương vào tiếng mưa trong nhạc. Lê Phổ đưa nhạc vào tranh  - Họa trung hữu nhạc. Màu của anh rền vang chim chóc và chuông ngân. Rất thủy tinh. Như có Mozart trong ấy.
Danh họa Paul Klee tìm ra Nắng ở Bắc Phi, óng ánh cho sắc màu. Nhưng nội tâm ông chưa nguôi ngoai. Nỗi khắc khoải cuối đời xui ông minh họa tập thơ Hafez, thi hào Ba Tư thế kỷ XIV. Những thiên thần Hồi giáo bay múa thay thế thiên thần Thiên chúa giáo. Hafez, thi sĩ thời chiến tranh, thời chết và khổ, thời vang vang vó ngựa Tamerlan. Nhưng Hafez cũng là thi sĩ của những dòng thơ trong sáng đầy nhạc và tình yêu thương nhân loại, là tiếng nói khát khao của thực tại theo phái khổ hạnh Sufism. Paul Klee khắc khoải tìm đến Hafez, một họa sư tìm đến một thi hào, cuộc kiếm tìm gặp nhau nơi thực tại tối hậu của trần gian. Một trong những bức tranh quan trọng cuối đời Paul Klee mang tên “Tod und Feuer”  - Nỗi chết và lửa nung. Nắng mà Paul Klee tìm thấy ở Bắc Phi mới là luồng sáng soi rọi nội tâm, hắt lên từ sa mạc nên còn nguyên sự thiêu đốt. Nắng ấy chưa tắm mát nơi nguồn nước Đông phương, nơi Chín Con Sông Rồng hay bình nguyên sông Hồng.
Nắng mà Lê Phổ bắt được và vẽ ra, là ánh của sáng, róc rách nước nguyên phối. Nhờ vậy, tranh Lê Phổ không khắc khoải mà an nhiên về chốn nguyên ngôn  - đầu nguồn sự sống khi tư tưởng chưa sa đà thành triết học. Một danh họa phương Tây và một danh họa phương Đông. Một bên là Nắng và Lửa, một bên là Nắng và Nước trên con đường vạch trần chân lý.
Odilon Redon nổi danh vẽ những bình hoa. Từ đó tới nay, ta mới thấy lần đầu qua tranh Lê Phổ những bình hoa rực rỡ Đông phương, hồn nhiên lưu luyến. Tài hoa hay sự uẩn nhưỡng tâm tư tạo ra niềm trời mát thơm, trong sáng ? Đây là sự bí mật của Lê Phổ. Gặp và chuyện trò cùng anh, ta không ngờ người ấy bỏ nước ra đi từ năm 1937  - bốn mươi bảy năm tròn. Lạ thật, những kẻ xa quê có khi còn giữ rất nhiều chất Việt hơn những người mới đến, hơn những người ở lại ! Tại sao ?
Tuy rất Việt nhưng không kiêu hão, tự phong đệ nhất danh họa hoặc bô bô hội họa nước ta đứng đầu thế giới. Chưa đất nước nào hàm hồ như nước ta với vị thế thứ nhất : khôn nhất, giỏi nhất, thiên tài nhất... đến như cái ngu cũng đòi cho ngu nhất. Anh Lê Phổ cực kỳ khiêm tốn, dù tranh anh nổi tiếng từ Âu châu sang Hoa Kỳ. Nước Pháp muốn triển lãm tranh anh, nhưng anh không đủ thời giờ chuẩn bị. Anh nói : “Mỗi năm tôi chỉ vẽ chừng 40 bức, bên Hoa Kỳ họ lấy hết. Xong tấm nào chở đi tấm nấy. Mình lớn tuổi rồi, không còn làm việc như xưa...”. Lê Phổ thú nhận nước ta không có truyền thống hội họa, ngoại trừ loại tranh dân gian chả cao kỳ chi mấy. Anh cho rằng truyền thống hội họa có hay không tùy thuộc nỗ lực giới họa sĩ trẻ, nếu họ chịu tìm kiếm, học hỏi, khai phá. Chuyện còn trong tương lai.
Chùa Thầy nơi quê cũ
- Thưa anh Lê Phổ, anh có lời khuyên nào cho anh chị em họa sĩ trẻ ?
- Lời khuyên ấy à ? Biết khuyên gì ! Có lẽ anh chị em không nên vội vã, đừng nóng lòng thành công mà vẽ tranh trưu tượng (abstrait). Tôi không chống tranh trừu tượng, thích là đằng khác. Nhưng trừu tượng là kết quả của suy tư, của một hành trình tiếp cận (un cheminement) , chứ không là phác vẽ ngẫu nhiên, may mắn. Hãy xem Kandinsky, Klee, De Kooning, Dubuffet, Soulages, Zao Wu Ki... Anh chị em không nên đóng cửa ở với nhau, nên giao thiệp rộng với các họa sĩ ngoại quốc để trao đổi, học hỏi và khai phá con đường mới. Nhất là phải tập luyện không ngừng cho có nét vẽ (dessin). Xưa có họa sĩ Trung hoa bỏ ra hàng năm đi quan sát các loài cua ngoài biển rồi mới dám bắt tay vẽ cua.
- Ngoài điều ấy ra, anh còn gì nhắn với họ chăng ? Một giây im lặng, anh tiếp :
- Đừng làm dơ sắc màu ! Đừng làm dơ chất liệu ! (Il ne faut pas salir les couleurs, il ne faut pas salir les matières). Vẽ màu sáng rất khó, nhưng phải ráng. Chỉ riêng Dubuffet mới đủ tài hoa sử dụng hắc ín với loại hội họa kiểu đường tráng nhựa (peinture macadam).
- Những khó khăn trong đời anh ?
- Họa sĩ không chỉ vẽ điều mình ưa thích, mà còn phải lo sinh kế, lo kiếm cơm nuôi gia đình.
- Vì sao hội họa Việt Nam không phát triển ?
- Vì nước ta không có Mạnh Thường Quân (Mécène), không có vua chúa, những chính quyền có văn hóa, yêu hội họa đến dám bỏ công qũy nuôi họa sĩ như ở Trung quốc thưở xưa hoặc thuê thực hiện những công trình lớn. Ai cũng chú trọng tuyên truyền hơn là nghệ thuật.
- Anh không nghĩ rằng tự thân họa sĩ phải khai phá ra đường mới. Phải chịu đắng cay vì say mê, như Van Gogh chẳng hạn ?
- Van Gogh có cả một truyền thống sống hội họa của Tây phương sau lưng. Nhà Médicis ở Ý là nâng đỡ vô giá cho hội họa. Nước ta không bao giờ có chuyện ấy. Hồi thời Bảo Đại, tôi đề nghị nên trích ngân qũy cho họa sĩ học bỗng đi du học, khuyến khích họ làm triển lãm, mua giúp tranh, và giao cho họ thực hiện những công trình trang trí hay nghệ thuật lớn. Tôi cũng đề nghị Bảo Đại dựng Bảo tàng viện Nghệ thuật ở Saigon để tích trữ tài sản văn hóa Việt, đồng lúc thu hút giới du lịch và làm cho thế giới chú ý tới văn hóa Việt Nam. Nhưng Bảo Đại không nghe và chẳng chịu thực hiện gì cả. Anh có biết rằng thời ấy một thương gia Pháp xin phép chở đi ba tàu thủy đầy những vật phẩm nghệ thuật cổ quý Việt Nam và Chàm ? Tranh, tượng, đồ sứ, v.v... Những tài sản tổ tiên do bọn con buôn đem bán cho ngoại nhân. Đau đớn hơn cả, là do bọn Việt Minh cộng sản thu nhặt đem bán, lấy cớ kiếm tiền mua súng đánh giặc chống ngoại xâm ! Di sản Việt Nam thất tán biết ngày nào mới thu về được !
- Anh nói đúng. Hồi làm Bộ trưởng Văn hóa, nếu Malraux không thuê Braque trang hoàng điện Louvre, hay thuê Chagall trần thiết vòng thiên khung đại hý viện (Opéra) Paris, thì mai đây chẳng còn dấu vết chi của Trường phái Paris phong phú. Nhân anh nhắc Cựu hoàng Bảo Đại, thế lúc đó anh có tham gia chính trị ?
- Không, không bao giờ... Tôi chỉ là một họa sĩ, tôi không làm chính trị. Chỉ một lần, hồi Thế chiến II, tôi cùng với Bửu Hội và Phạm Duy Khiêm đăng lính chống Đức. Nhưng đấy là trí thức tham gia chống nạn Đức Quốc xã. Thời Bảo Đại tôi được mời làm Cố vấn Mỹ thuật, không có gì chính trị. Tôi chỉ muốn làm đẹp cho quê hương. Tôi ghét và chống sự hung ác giết người. Ông Bảo Đại tuy chẳng làm được gì, nhưng không hại ai, không giết nhiều người. Ông Diệm không hung ác, nhưng các em ông ấy, Nhu, Cẩn... và gia đình ông ấy quá tàn bạo, họ giết quá nhiều người. Thời Nguyễn Văn Thiệu cũng vậy. Lý do vì sao tôi không muốn về Việt Nam qua các triều đại này, dù có nhiều anh em mời mọc, thúc hối. Nhưng lòng tôi cũng mong có một ngày trở lại để làm một cái gì đó cho nghệ thuật Việt Nam.

Lê Phổ trò chuyện với Thi Vũ, Paris 1983
Đối với Cộng sản ấy à ? Dĩ nhiên tôi cực lực chống đối. Thời 1946, lúc Phạm Văn Đồng sang Pháp, tôi rất hăm hở và phấn khởi với khí thế dũng cảm giành độc lập tự do cho dân tộc. Tôi hội nhóm anh em của chúng tôi tại xưởng vẽ của tôi  - lúc ấy còn hàn vi lắm -  và mời Phạm Văn Đồng lại dùng cơm tâm sự. Tôi còn nhớ có Nguyễn Văn Định, Nguyễn Mạnh Đôn, Bửu Lộc, Trần Hữu Tước, v.v... Ai cũng phấn khởi một lòng. Nhưng liền ngay sau đó, tin từ Hà Nội sang, chúng tôi thấy rõ bộ mặt thật Cộng sản của nhóm ông Hồ. Họ chẳng yêu nước gì. Nhất là họ giết người, thanh toán phe quốc gia không thể nào tưởng tượng nổi. Anh em chúng tôi trong nước cũng đông, đều bị họ giết cả. Từ vụ tàn sát anh em công binh ở Marseille, tới các vụ chặt đầu, chôn sống trên toàn quốc Việt Nam. Tôi và bác sĩ Nguyễn Mạnh Đôn là hai người kỳ cựu tại Pháp có thái độ rõ rệt từ đầu bất hợp tác với Cộng sản. Mai Thứ là bạn chí thiết, chúng tôi quen nhau hồi còn bé. Nhưng Mai Thứ ngây thơ nên bị họ lừa. Mãi tới lúc gần chết mới tỉnh ngộ, mới viết thư phản đối Cộng sản...
- Đã giờ cơm. Chẳng dám phiền anh lâu. Xin một câu hỏi cuối : Kỷ niệm Việt Nam nào còn in rõ trong anh ?
- Phải rồi. Kỷ niệm Chùa Thầy. Thực thì có hai kỷ niệm, Chùa Thầy và Cách mạng mùa Thu 45. Thời 45, chúng tôi hân hoan như người vừa được lột da sống đời trước khí thế tưng bừng giành độc lập của toàn dân thanh toán đô hộ Pháp. Nhưng niềm vui ấy quá ngắn và phôi pha. Vì Việt Minh Cộng sản đánh rơi mặt nạ quá sớm. Khiến chúng tôi đau buồn cảm thấy đất nước ta đang cởi ách này để tròng ách khác lên đấy thôi. Ách nào mình cũng chỉ là trâu, ngựa.
Vào những năm 1930, Trường Cao đẳng Mỹ thuật cử tôi đi lấy phác thảo đồ án và các mẫu trang trí trong Chùa Thầy. Tôi về sống đấy một tuần lễ. Cảnh chùa thanh tĩnh trên vùng đất hữu tình. Đẹp nhất lúc hoàng hôn, tôi đứng nhìn những dãy mái cong vút, uốn lượn dịu dàng vẽ lên ráng mây đỏ. Hay những trưa đầy mây trắng. Trước chùa có hồ nước trồng sen phẳng lặng, thỉnh thoảng những con chuồn chuồn đỏ, xanh, điểm nước, những con phù du trượt thành gợn sóng lăn tăn. Phong cảnh thần tiên. Ngoài ra ở chùa Thầy có vô số rui, mèn, cột chống chạm khắc điêu luyện, mỹ miều khôn xiết kể...
- So với chùa bên Trung quốc, anh thấy những họa tiết và chạm khắc khác nhau thế nào ?
- Đẹp hơn. Đẹp hơn nhiều. Mái chùa Việt Nam rất đặc sắc không đâu có. Mái uốn lượn duyên dáng, hòa hài hơn chùa Trung quốc. Nó là kích thước cho hồn người. Về nghệ thuật điêu khắc trên gỗ ở Chùa Thầy, thì ta vượt xa người Tàu và người Nhật. Người Tàu quá tỉ mỉ và chi tiết. Người Nhật quá giản đơn. Việt Nam là thế chiết trung rất đặc thù (juste milieu).

Chùa Thầy,  thế kỷ XI,  Sơn Tây
Chùa Thầy đẹp đến nỗi tôi từ bỏ ngôi nhà ông lý trưởng dành cho nhân viên Trường Mỹ thuật, đến xin ở hẳn trong chùa. Ở đấy người tôi lâng lâng phơi phới. Ăn chay, nằm sàn, nghe kinh kệ, chuông mõ. Tất cả như làn hương nhẹ nhàng giải thoát quyện quấn người tôi. Nhưng rồi một đêm thao thức nhìn ngắm trần nhà chi chít những mẫu trang trí tạc khắc. Bên ngoài tiếng côn trùng âm ỉ kêu sương lẫn theo tiếng ễnh ương. Thỉnh thoảng vài tiếng chó sủa trong thôn. Bỗng tôi thấy một con mãng xà to lớn hiện ra, cuồn cuộn quấn quanh các cột kèo. Hồn xiêu phách lạc, tôi run sợ, nhưng chẳng dám động mình hay kêu cứu. Suốt đêm không chợp mắt. Sáng ra tôi bạch chuyện với Sư cụ trú trì. Ngài từ tốn xin lỗi : “Ấy lỗi tại tôi quên dặn nhà thầy. Nó là rắn thần đấy, chưa hại ai bao giờ. Tối nào cũng vào chùa xin ăn. Chờ tôi cho ăn. Ăn xong nó rỡn chơi trên trần một lúc trước khi về hang».
Thật không thể nào tưởng tượng nổi. Và đấy là kỷ niệm không bao giờ quên.
Tôi ra về, lòng khó quên hai giờ trò chuyện và sống giữa bao bức tranh trươi mát, hồn nhiên, giải thoát của Họa sư Lê Phổ  - Người vẽ Nắng.
Đã lâu tôi ít được hưởng với người Việt những phút giây thư thái và an bình như thế. Kể từ khi xa nước, kể từ khi xa chùa, kể từ khi người Việt chỉ còn biết trao đổi những khi gặp gỡ các mẩu chuyện chính trị rối ren hay thời cuộc đen tối.
Thanh thản bước xuống năm tầng thang gác. Ra đường thấy lại một thành phố tấp nập, bon chen. Một cõi ngoài. Tôi vụt nhớ tới danh họa Na Uy Edvard Munch cất lời thề nguyền năm 26 tuổi : « I shall paint living people who breathe, feel, suffer, and love. The sacredness of this will be understood and people will take off their hats as though they were in church”  - “Tôi  sẽ vẽ những người đang sống, đang thở, đang cảm xúc, đang đau khổ, và đang yêu. Sự linh thiêng của hội họa sẽ được cảm thông, khiến người xem tranh phải ngã nón như khi họ bước vào thánh đường”.
Phải lắm. Thời đại mà có nhiều nhà tôn giáo cùng những kẽ vô thần đang bán đổ bán tháo chốn linh thiêng, thì chỉ có nghệ thuật còn khả năng mang lại nhiệm mầu cho cuộc sống. Dường như tôi đã mềm lòng, phơi phới  - một hình thức ngã nón -  khi xem tranh Lê Phổ. Y hệt cảm giác ngày xưa Tết đến, tôi theo mẹ lên chùa. Những ngôi chùa đã mất nơi cõi sống bạo hành, bán buôn phồn tạp, tranh đua, sát phạt. Những ngôi chùa chỉ hiển hiện trong tim tôi. Rồi hôm nay thấp thoáng nơi lòng tranh Lê Phổ.
Mai đây, có ai đem về trả lại cho quê hương ngôi chùa ấy, bức tranh ấy ?
Thi Vũ
Về Họa sĩ Lê Phổ
Họa sĩ Lê Phổ sinh ngày 2.8.1907 tại Bắc Việt Nam. Theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội ngay từ khóa đầu tiên với 12 sinh viên năm 1925. Tốt nghiệp năm 1930. Trường này do Họa sĩ Victor Tardieu sáng lập. Anh triển lãm chung với hai Họa sĩ Vũ Cao Đàm và Mai Thứ tại Hà Nội năm 1928. Năm 1932 sang Pháp học bổ túc một năm rưỡi tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Dịp này anh làm cuộc du hành nghệ thuật sang các nước Hòa Lan, Bỉ, Ý và triển lãm tại Rome. Năm 1933, triển lãm tại Hà Nội, cùng năm được phong làm Giáo sư mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và trường Albert Sarraut. Sang thăm Trung quốc năm 1934, nghiên cứu hội họa đời Tống và Minh. Năm 1935 được Triều đình Huế mời vẽ tại Đại nội. Năm 1936 thực hiện bức bình phong sơn mài cho Hội chợ Quốc tế Paris và được mời làm Giám đốc Vụ Mỹ thuật Đông Dương tại Hội chợ Quốc tế này. 1938 triển lãm tại Paris. Năm 1939 cùng với nhà bác học Bửu Hội và Nhà văn Phạm Duy Khiêm tham gia kháng chiến Pháp chống Đức Quốc xã.
Suốt thời Đệ nhị Thế chiến, Lê Phổ triển lãm nhiều lần tại Pháp, Algérie, Maroc, Buenos Aires (Argentina). .. 1945, triển lãm chung với Vũ Cao Đàm và Mai Thứ tại Paris. Từ 1945 đến nay triển lãm nhiều lần tại các nước Âu Mỹ, có khi làm chung với Họa sĩ Nhật Foujita. Tranh Lê Phổ được tán thưởng qua các phòng tranh quốc tề Paris, Bruxelles, San Francisco, Palm Beach, Chicago, New York, Caracas, v.v... Tranh bán với giá cao, có tranh tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại thành phố Paris (Musée d’Art moderne de la Ville de Paris), Bảo tàng Mỹ thuật Oklahoma, Hoa Kỳ, v.v...
__._,_.___