Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

VỀ VỤ CẬU BÉ BỊ CÔNG AN BẮN CHẾT

From :Tuyen van Bui
Trà Mi - VOA | Washington, DCThứ Ba, 08 tháng 6 2010Câu chuyện mà Trà Mi gửi đến quý vị và các bạn trong Tạp chí tuần này là một câu chuyện đau lòng về cái chết của cậu bé Lê Xuân Dũng, 13 tuổi, ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, một trong những đề tài gây xôn xao dư luận suốt mấy tuần qua. Em Dũng là một trong hai nạn nhân tử thương vì bị trúng đạn của công an trong các cuộc xô xát giữa dân chúng với lực lượng an ninh hôm 25/5 vừa qua tại địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Biểu tình ở Nghi Sơn
Sau nhiều lần kiến nghị các cấp không được giải quyết, dân địa phương đã tập trung đến đây biểu tình để phản đối chính sách giải tỏa-đền bù đất đai không thỏa đáng của chính quyền. Trong số này có gia đình của em Dũng. Xuân Dũng là con trai út của một gia đình lao động nghèo gồm 3 anh chị em, ngụ tại xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia. Gia đình cậu bé có mấy sào ruộng làm kế sinh nhai, nhưng đã bị chính quyền trưng thu để xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nên bố mẹ em phải xoay sang buôn bán lặt vặt để kiếm tiền nuôi 3 chị em của Dũng ăn học. Dũng rất chăm học. Em đã tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Qua lời mô tả của bà con xóm giềng và bạn bè đồng trang lứa, Dũng là một thiếu niên ngoan, hiền, rất được mọi người yêu mến.  
Một người hàng xóm của Dũng cho biết:
“Thật sự ở đây anh em hàng xóm rất là quý cháu Dũng. Cháu học giỏi, ngoan, lễ phép. Anh em bà con rất là thương cháu vì cháu ngoan lắm. Cháu mới được đi thi tỉnh về đó. Thật sự chúng tôi rất là đau lòng, thương xót, và phẫn uất trước thái độ của những kẻ vô liêm sỉ đó. Không thể nào dung thứ cho những kẻ đó được. Đám tang của cháu Dũng đầy sự phẫn uất và tình thương của dân làng bà đối với cháu. Thật sự là một đám tang chưa từng có. Những người không phải ở xung quanh xã này, mà ở tận đâu đâu người ta cũng đến thương tiếc, bùi ngùi, xót xa cho cháu và gia đình cháu.”

Bé Cao Thị Trâm, bạn học cùng lớp với Dũng từ năm lớp 1 đến nay là lớp 6, nhận xét về người lớp trưởng 6 năm liên tiếp của mình:
“Bạn ấy là một người có trách nhiệm trong lớp học, rất ngoan, là một lớp trưởng gương mẫu và nghiêm túc. Bạn là học sinh giỏi của trường và của huyện. Năm lớp 4 bạn đoạt giải 3 môn Toán cấp huyện. Năm lớp 5 và lớp 6 bạn được giải Khuyến khích môn Toán cấp huyện. Nghe tin Dũng qua đời, em rất sửng sốt, em không thể tin vào mắt mình nữa. Em rất đau buồn và thương cho người bạn của em. Mặc dù đã qua ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, nhưng em cảm thấy người lớn chưa có trách nhiệm với chúng em, đã vô tâm bắn chết một đứa trẻ 13 tuổi. Em đau buồn hết sức. Em rất bực tức với những người cảnh sát cơ động đã bắn chết bạn của em. Khi ra đường gặp họ, nghĩ đến bạn của mình, em vẫn cảm thấy phẫn nộ trong lòng.”
Không những là một học sinh giỏi, em Dũng còn là một đứa con hiếu thảo và biết đỡ đần cha mẹ. Hằng ngày, ngoài giờ học, em phụ bố mẹ bán quà vặt để kiếm tiền trang trải cho gia đình. Ngày 25/5/2010 khi cuộc biểu tình đòi quyền lợi đất đai của các cư dân địa phương biến thành cuộc xô xát với lực lượng công quyền cũng là ngày định mệnh của cậu bé có vóc dáng nhỏ nhắn, tháo vát, nhưng bất hạnh này. Hôm đó, Dũng chạy ra chỗ mọi người đang tụ tập để tranh thủ bán vài que kem, vài chiếc kẹo, và vài phong bánh, nhưng em đâu có ngờ đó cũng là cái ngày cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của em. Một trong những phát đạn bắn ra từ nòng súng của lực lượng công quyền hôm ấy đã xuyên thủng bụng em, cướp đi sinh mạng của cậu bé 13 tuổi vô tội. Nạn nhân thứ hai bị tử thương là ông Lê Hữu Nam, 43 tuổi, người cùng địa phương với em Dũng.
Trà Mi hỏi thăm ông Long, bố của Dũng.
Ông kể lại: Khi cháu bị trúng đạn thì những người dân ở đó cũng không biết là cháu bị trúng đạn. Họ về báo là cháu bị ngất, được đưa lên bệnh viện huyện. Khi gia đình trên đường chạy ra bệnh viện huyện thì được tin là cháu bị trúng đạn, chết rồi, được đem xuống nhà xác rồi. Lúc đó, cảm giác của người làm bố, làm mẹ thì không còn suy nghĩ được điều gì nữa. Chỉ biết là đứa con yêu mình sinh ra đã bị bắn.
Trà Mi: Khi đến nơi nhận xác cháu, mọi chuyện như thế nào? Chính quyền địa phương có tiếp xúc và trao đổi với ông bà như thế nào không?
Bố bé Dũng: Lúc đó không có đại diện chính quyền đâu cô ơi. Chả có ai tiếp xúc với vợ chồng chúng tôi cả.
Trà Mi: Họ có tiến hành các biện pháp giám định pháp y ra sao không?
Bố bé Dũng: Có, kết quả giám định là cháu bị trúng 1 phát đạn vào bụng và lấy được viên đạn ở phần cột sống. Sau khi đưa xác cháu về cũng chả có chính quyền nào đến cả. Đến 5 giờ chiều, công an tỉnh mời gia đình lên giao lưu, bàn công tác mai táng cháu. Họ có hỗ trợ tiền mai táng.
Trà Mi: Ngoài ra, họ có đề cập đến trách nhiệm pháp lý của người gây ra vụ việc hay không?
Bố bé Dũng: Các cơ quan pháp luật nói là vụ án sẽ được điều tra nhanh nhất thôi. Giám đốc Công an Tỉnh, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, công nhận súng đó là súng của công an, đạn của công an.
Trà Mi: Được biết có 1 viên công an đã bị bắt rồi, phải không thưa ông?
Bố bé Dũng: Gia đình cũng chỉ nghe tin như thế, nhưng chưa có ngành, cấp nào trao đổi lại với gia đình về việc người công an đó bị bắt cả.
Trà Mi: Phía chính quyền có đề nghị gì đối với gia đình và ngược lại phía gia đình có yêu cầu gì với chính quyền không?
Bố bé Dũng: Chính quyền ở huyện, tỉnh cũng có vòng hoa và thắp hương cho cháu thôi. Chưa có vấn đề chi đề xuất với gia đình cả. Chưa có cơ quan pháp luật nào đến nói chuyện riêng với vợ chồng em cả.
Trà Mi: Xin hỏi thăm ý kiến của gia đình về vụ việc này.
Bố bé Dũng: Gia đình tôi rất đau đớn và rất buồn, đề xuất với các ngành, các cấp phải trừng trị người sai trái trước công luận một cách công bằng. Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đưa sự việc này ra công chúng trong và ngoài nước một cách đúng đắn. Đó là cái quyền của con người, không được đè bẹp người dân như thế. Mong mỏi của người dân là đòi hỏi sự công bằng.
Chị cả của Dũng là em Lê Thị Phượng có mặt ngay tại hiện trường hôm công an nổ súng khiến bé Dũng và 1 nạn nhân khác tên Nam tử vong. Trò chuyện với Trà Mi một tuần sau khi sự việc xảy ra, người bạn gái 18 tuổi này vẫn chưa hết bàng hoàng.
Chị của Dũng: Quả thật đến giờ em vẫn còn rất là sốc. Em cũng không ngờ được rằng em của em đã bỏ em lại mà đi rồi. Em cũng không thể tưởng tượng nổi là công ăn lại dí súng bắn vào em của em như vậy. Em yêu nước, nhưng em thật sự không thể ngờ những người bảo vệ pháp luật và công dân Việt Nam mà cuối cùng lại đi dí súng vào một đứa trẻ. Không thể nào chấp nhận nổi. Đó là sự cố tình, em không thể tha thứ.
Trà Mi: Vì sao em nghĩ đây là một sự cố tình?
Chị của Dũng: Lúc đó em có mặt ở trên đó. Bắn chết những 2 người  và làm bị thương 1 người. Không thể nào là một sự vô tình đến mức như vậy được. Lúc đó, công an và lực lượng cơ động thì nhiều. Khi ông Chủ tịch xã đi qua, em thấy công an xông vào đánh đập người dân. Cả bà già, phụ nữ, họ cũng chẳng tha. Thanh niên thì họ đánh đập, bắt lại, lôi lên xe. Sau đó, từ đằng này, em nghe thấy một phát súng. Rồi dân la lên: “Ôi bắn chết người rồi!” Khi em chạy lại, trước mặt em là một vũng máu. Bác Lê Hữu Nam đang ngã lăn dưới đất. Lúc ấy, em không biết em của mình đi đâu cả. Lúc đó, cảnh sát đông hơn dân, cô ạ, vì là buổi trưa nên dân về ăn cơm. Khi nghe mẹ bảo Dũng bị người ta bế lên xe rồi, em không biết gì nữa, chỉ biết khóc. Em không ngờ khi ra đến đó, họ đã mang xác của Dũng vào nhà xác rồi. Dũng vừa ngoan, học giỏi, luôn được mọi người yêu mến. Sự ra đi của em ấy là một tổn thất lớn cho gia đình. Nguyện vọng lớn nhất của em bây giờ là đòi công bằng lại cho em của em, cho gia đình em. Vụ này phải thật sự nghiêm minh để mọi người thấy rõ bộ mặt của kẻ ác nhân.   
Một cư dân địa phương bày tỏ bức xúc của mình trước hành động của nhân viên công lực đối với thường dân tay không, dẫn tới cái chết của em Dũng và ông Nam:
“Người Việt mà tàn sát người Việt, bắn vào dân vô tội mà nhất là một cháu bé. Bà con ở đây mong mỏi công lý, công bằng cho gia đình, xã hội, và mọi người ở đây để yên lòng dân. Bà con đi tay không ra để đòi quyền lợi chung thôi, chứ không phải là tranh chấp gì, hầu hết là các bà già và trẻ em. Mong rằng trong xã hội này không bao giờ có sự việc tương tự xảy ra và những người có thẩm quyền sẽ giải quyết thỏa đáng để bà con được yên tâm và tin tưởng vào các chính sách xã hội, trả lại công bằng cho mọi người.”
Các bạn vừa nghe những giải bày của người thân, bạn bè, hàng xóm, cũng như người cùng địa phương của cậu bé Lê Xuân Dũng, nạn nhân trong vụ công an nổ súng hôm 25/5 tại cuộc biểu tình của dân địa phương phản đối việc đền bù đất đai giải tỏa cho công trình nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa.
Ý kiến của lực lượng công quyền về vụ việc và về những phản ảnh của dân chúng ra sao? Trà Mi đã liên lạc với ông Lê Xuân Hoàng, Trưởng công an xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, người có mặt trong lực lượng an ninh trực tiếp tại hiện trường để bảo vệ công trường thi công nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.   
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Hiện nay công an tỉnh đang vào cuộc điều tra làm rõ. Việc này có thể là một công an nào đó thiếu nhận thức, đôi khi xử sự gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm rồi, đã bị tước quân tịch, bị khai trừ ra khỏi Đảng, hiện đang bị tạm giam. Việc đó sau này sẽ xử theo Bộ luật hình sự. Việc công dân đập phá tài sản, pháp luật cũng phải làm rõ.
Trà Mi: Dân chúng nói rằng họ chỉ đi đòi quyền lợi bằng tay không. Công an lại nổ súng vào dân tay không. Xin được hỏi nguyên do, thưa ông?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Tất yếu là công dân đi đòi quyền lợi nhưng sau đó quá khích, ném đá vào lực lượng công an. Công an bắt đầu vào cuộc, cản ra. Còn việc súng bị cướp cò hay súng nổ như thế nào đó thì cũng chưa xác minh được.
Trà Mi: Dân chúng cho rằng nếu quá đáng lắm thì công an cũng chỉ nên dùng các biện pháp trấn áp nhẹ tay, chứ không nên nổ súng vào thường dân tay không. Là một nhân viên công lực, ông nghĩ thế nào?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Tôi cũng chỉ biết như thế thôi. Có thể là chỉ giơ súng để bắn chỉ thiên, nhưng việc bị cướp cò hay không, thì tôi đứng cách đó 15-20 mét, vì người đông, cho nên chưa nắm được.
Trà Mi: Người nhà nạn nhân cho hay chính quyền không tiếp xúc với họ về các biện pháp giải quyết. Chính quyền đang lo liệu vụ việc này ra sao, thưa ông?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện, và Đảng ủy xã đều vào cuộc động viên gia đình để có sự giảm bớt tình tiết. Còn việc sai thì Bộ luật hình sự quy định rồi, nói chung hiện nay là ổn định.
Trà Mi: Bà con nói rằng vì bức xúc của họ phản ánh cũng quá lâu mà không được giải quyết thỏa đáng, nên dẫn đến việc họ phải ra đó biểu tình, họ không gây bạo loạn, họ chỉ đòi quyền lợi chung. Trong khi đó, nhân viên công lực của chính quyền lại ra tay như thế. Là một người trong bộ máy chính quyền, ông có suy nghĩ thế nào?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Ngày 23/5, nhân dân ra cản công trình. Chính tôi với Phó công an đồn đã động viên bà con. Ngày 24/5, họ ra cản trở tiếp, tôi với Phó Chủ tịch Ủy ban xã đã ra động viên. Sớm ngày 25/5 họp chi bộ. Chiều 25 cũng nói với bà con là họp nhân dân để giải thích quyền lợi mà bà con không chấp nhận điều này. Cho nên, nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ là đảm bảo thi công. Còn chế độ, quyền lợi, tất yếu là căn cứ vào việc quản lý của nhà nước cho phù hợp. Việc này như thế nào thì tôi không phải khâu quản lý nhà nước, tôi chỉ làm trong Bộ luật hình sự là trưởng công an, chỉ có nhiệm vụ thi hành thôi.
Trà Mi: Trong lúc lộn xộn đó người dân nói là lực lượng công an còn đông hơn dân nữa, thiếu gì biện pháp để trấn áp, đâu cần thiết phải nổ súng gây chết người, thưa ông?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Không thì trong việc đó nhân dân quá khích ném đá vào lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ. Cho nên có thể là khi công an tấn công ngược lên có thể là bắn chỉ thiên thế nào đó.
Trà Mi: Thế bây giờ chỉ đạo của cấp trên ra sao?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Tôi cũng chưa nắm được. Trước mắt là phải đảm bảo an ninh trật tự, an ninh chính trị, đảm bảo địa phương. Hiện nay tôi cũng đang dùng tất cả các loại lực lượng phối hợp với anh em trong xã đội, dân quân tự vệ, lực lượng an ninh, và lực lượng địa phương để bảo vệ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn địa phương.
Trà Mi: Người dân phản ánh rằng lực lượng an ninh có mặt tại đó để trấn áp họ chứ không phải để bảo vệ họ.
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Tôi ở đó là để bảo vệ thi công, chứ không phải trấn áp, nói trấn áp là không được. Nhiệm vụ bảo vệ thi công để hoàn thành nhà máy hóa lọc dầu vì công ty họ đã bàn giao tiền cho mình rồi, còn mình đòi thêm quyền lợi phần nào đó thì là việc của mình thôi. Còn hiện nay là bảo vệ thi công, nói trấn áp thì không có trấn áp đâu.
Trà Mi: Nghĩa là bảo vệ công trình thi công nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chứ không phải bảo vệ người dân, thưa ông?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Không thì  bảo vệ vấn đề thi công, chứ còn việc dân đòi phải có giấy tờ văn bản và đề nghị. Chính tôi đã giải thích với họ hai bữa trước rồi, họ quá khích, không nghe nên mới xảy ra như vậy.  
Trà Mi: Thế người dân chưa thỏa mãn nguyện vọng của họ, có biện pháp nào để giải quyết ổn thỏa không ạ?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Báo cáo là dân thỏa đáng hay không căn cứ vào luật quản lý nhà nước và công tác bồi thường.
Trà Mi: Nhưng họ không hài lòng với cách giải quyết đó thì không còn cách nào khác hơn là phải trấn áp bằng võ lực, thưa ông?

Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Cái này không phải trấn áp bằng võ lực đâu. Có thể là một hai cảnh sát sơ xuất thôi, chứ nói chung lực lượng bảo vệ thi công là đúng. Người ta đã bồi thường cho dân 34 triệu 400 ngàn rồi, họ lấy rồi. Còn chuyện ảnh hưởng màu thì bây giờ phải làm đơn đề nghị để người ta giải quyết, chính quyền vào cuộc, nhưng dân cũng quá khích và không nghe cho nên mới xảy ra như thế.
Trà Mi: Vì việc tranh chấp đất đai mà dẫn tới cái chết của một đứa bé mới 13 tuổi. Là một nhân viên công lực đại diện cho chính quyền, ý kiến của ông như thế nào?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Tôi bây giờ học hành thì cũng hạn chế. Cán bộ công an địa phương như tôi trả lời làm sao mà hết được. Tôi trách nhiệm ở địa phương bầu lên làm trưởng công an thôi, học hành có hạn. Cho nên cô phỏng vấn như thế là nhiều quá, tôi biết làm sao mà giải thích được? Tôi chỉ trách nhiệm là bảo vệ thi công của nhà máy hóa lọc dầu thôi. Còn giải thích về chế độ, quản lý nhà nước, việc này tôi cũng không nắm hết được. Quyền lực và trách nhiệm của tôi chỉ là bảo vệ an ninh chính trị và trật tự thôi.
Trà Mi: Bảo vệ an ninh chính trị-trật tự tức là bảo vệ sự bình yên cho người dân, chứ không chỉ là để bảo vệ cái công trình đó thôi, phải không thưa ông?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Thì đúng rồi, bảo vệ an ninh chính trị-trật tự là bảo vệ người dân là đúng. Nhưng việc quyền lợi chính sách là việc nhà nước.
Trà Mi: Như vậy có thể hiểu là ông được phân công để bảo vệ quyền lợi chính sách của nhà nước?
Trưởng công an xã Tĩnh Hải: Vâng, đúng rồi.
Trà Mi vừa gửi đến quý vị ý kiến của các bên liên quan đến cái chết của bé Xuân Dũng 13 tuổi vì bị trúng đạn của công an trong cuộc biểu tình của cư dân huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trà Mi mong được đón nhận quan điểm chia sẻ của bạn nghe đài khắp nơi trên trang web www.voatiengviet.com trong mục Ý kiến ở cuối bài, hoặc qua email về địa chỉ vietnamese@voatiengviet.com.
Trà Mi và Tạp chí Thanh Niên xin chào tạm biệt và hẹn mang đến quý thính giả một câu chuyện mới trong chương trình tối thứ ba tuần sau.