Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

NI CÔ KHỔ LUYỆN KUNG FU

From: Sinh Do* Hoe Nguyen* Phong Vu* Plas80
Số thiếu nữ muốn trở thành ni cô tại Nepal đột ngột  tăng cao sau khi chương trình tập luyện võ thuật được đưa vào các ngôi chùa. Dưới đây là bài viết của BBC về hiện tượng này.


Số lượng phụ nữ trẻ muốn trở thành ni cô đột ngột tăng kể từ khi các lớp kungfu được mở ra tại các chùa thuộc tông phái Amitabha Drukpa. Ảnh: BBC.
Mỗi sáng sớm tại chùa Amitabha Drukpa ở ngoại ô thủ đô Kathmandu, Nepal, hàng trăm ni cô tập luyện những miếng võ giống như trong các bộ phim của Lý Tiểu Long hồi thập niên 70.
Một võ sư người Việt Nam hướng dẫn các thế võ cho ni cô trẻ của nhà chùa thuộc dòng Truyền thừa Drukpa, một nhánh của Phật giáo Đại thừa. Võ thuật được dạy ở đây từ 2 năm trước. Hàng ngày, các nữ tu đều bỏ ra hai giờ để tập luyện.
Rupa Lama, một ni cô 16 tuổi người Ấn Độ, cho biết, kungfu giúp cô tăng khả năng tập trung. “Tập võ rất có lợi cho sức khỏe. Ngồi thiền rất khó, nhưng kể từ khi học kungfu, tôi thấy việc ấy trở nên dễ dàng hơn nhiều”.
Konchok, cũng đến từ Ấn Độ, nói rằng cô thích kungfu vì nó giúp cô mạnh mẽ hơn. “Chúng tôi có thể tự bảo vệ bản thân nhờ học võ. Nếu kẻ nào chọc ghẹo, chúng tôi sẽ đánh trả", cô nói.
Sự tự tin của các cô gái trẻ là một điều bất ngờ, bởi vì các ni cô ở dãy Himalaya thường bị coi là thấp kém hơn so với các nhà sư nam.
Bà Jetsunma Tenzin Palmo, một phụ nữ Anh trở thành ni cô Drukpa 30 năm trước, cho hay các ni cô rất hay bị coi thường. “Họ không được coi trọng và cũng không được đi học. Thế nên, họ thành người giúp việc trong gia đình, làm bếp hoặc làm vườn cho các nhà chùa mà thôi", Palmo nói.
Kungfu được đưa vào giảng dạy ở tu viện Amitabha Drukpa bởi chính lãnh tụ tinh thần của giáo phái này - Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa.
Ông Gyalwang Drukpa là thế hệ thứ 12 của dòng Truyền thừa Drukpa (có nghĩa là rồng). "Khi còn nhỏ, tôi cho rằng chèn ép phụ nữ không phải là điều gì tốt đẹp. Lớn lên, tôi bắt đầu nghĩ xem có thể làm gì để giúp đỡ họ. Tôi nhận thấy có thể xây một ngôi chùa, cho họ quyền được học tập và rèn luyện tinh thần", Drukpa tâm sự.
Ngôi chùa Amitabha Drukpa được xây dựng rất hiện đại và được trang bị tốt để phục vụ cho việc học tập và thờ cúng. Drukpa nói ông đã khuyến khích ni cô ở đây luyện tập kungfu sau khi chứng kiến các nhà sư tại Việt Nam tập môn võ này.
Mới đây, họ còn biểu diễn võ thuật trước hàng nghìn người hành hương tham gia Hội nghị thường niên lần thứ hai của dòng Truyền thừa Drukpa. Anh Jan Duin, một người Hà Lan tham gia hội nghị, rất ấn tượng với màn trình diễn này. “Tôi nghĩ việc này rất tốt cả về thể chất lẫn tinh thần đối với các ni cô vì họ phải ngồi thiền rất nhiều. Khi ngồi thiền, bạn phải rèn luyện sự tập trung cao độ, và trong kungfu cũng vậy”, anh nhận xét.
Jetsunma Tenzin Palmo nói rằng bà cũng đang đưa kungfu vào chùa của mình ở tiểu bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. “Đây là một bài tập tuyệt vời, rất tốt cho việc rèn luyện kỷ luật và khả năng tập trung. Nó đánh thức sự tự tin - điều quan trọng đối với các ni cô. Bất kỳ gã đàn ông xấu nào lảng vảng gần đây cũng sẽ tránh xa nếu biết rằng các ni cô toàn là các cao thủ kungfu”, bà giải thích.
Palmo cho biết thêm, kể từ khi các tu viện bắt đầu dạy học và có các môn học thể chất như kungfu, số lượng các cô gái gái trẻ muốn trở thành ni cô tăng đột biến.
"Rất nhiều người nghĩ nếu trở thành ni cô, họ sẽ được đi học, tập võ, và sống cùng với những cô gái đáng mến khác. Với họ, cánh cửa thế giới vốn bị đóng kín thì nay đã mở toang trước mắt", bà khẳng định.