Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

THE CO HOAKY-TRUNG CONG-LIEN XO 1972

Nixon đã cứu Trung Quốc thoát khỏi một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô ?

Tổng thống Nixon và chủ tịch Mao (1972)
              
Mai Vân  AFP
‘’Khi Nixon giúp Trung Quốc thoát khỏi bom đạn hạt nhân Xô Viết’’. Dưới tựa đề đập mắt ở trang quốc tế, bên cạnh ảnh chụp Tổng Thống Mỹ Nixon bắt tay lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông vào tháng 2 năm 1972, nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn lại nhận định trên đây từ báo chí Trung Quốc. Tạp chí Historical Reference, thuộc Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc, trong những ngày qua, đã đăng một loại bài viết về chủ đề này.


Theo tạp chí Trung Quốc, vào tháng 10/1969, Matxcơva đã lên kế hoạch tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân. Chế độ Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị đối phó, cho phân tán lực lượng để giới hạn thiệt hại. Mao Trạch Đông thì đi về Vũ Hán, trong lúc tướng Lâm Bưu dời đến đóng ở Từ Châu.
Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội rút xuống các hầm bunker kiên cố xây dựng dưới các khu đồi phiá tây Bắc Kinh. Lực lượng gồm 940.000 quân, 4.000 máy bay và 600 tàu chiến được lệnh rời khỏi các căn cứ dễ bị tấn công. Công nhân được phát súng ống để bắn vào phi công và lính nhảy dù Liên Xô khi cần thiết.
Trở ngược về nguyên nhân vụ việc, Le Figaro nhắc lại các sự kiện diễn ra vào tháng 3 năm 1969. Xung đột đã nổ ra trên sông Ussuri, ở biên giới hai nước, dẫn đến những vụ biểu tình khổng lồ ở hai bên, quân đội được động viên. Arnaud De La Grange, tác giả bài báo trên tờ Le Figaro, cho biết là theo bài viết trên tạp chí Trung Quốc, thì Liên Xô đã thông báo các đồng minh Đông Âu của họ về kế hoạch tấn công hạt nhân để ‘’xoá sạch mối đe doạ Trung Quốc và triệt tiêu kẻ phiêu lưu thời hiện đại này’’. Ngày 20 tháng 8, đại sứ Liên Xô tại Washington đã thông báo ý định đó cho ông Kissinger và yêu cầu Mỹ giữ thái độ trung lập.
Thế nhưng Hoa Kỳ đã cố tình để thất thoát thông tin về kế hoạch của Liên Xô ra cho báo chí biết, và ngày 28 tháng 8, tờ Washington Post loan báo là Matxcơva có kế hoạch bắn một loạt tên lửa hạt nhân xuống nhiều thành phố cũng như các trung tâm, cơ sở hỏa tiễn của Trung Quốc. Trong hai tháng 9 và 10, tình hình căng thẳng cực độ, người dân Trung Quốc được chỉ thị đào hầm trú ẩn.
Nixon coi Liên Xô là mối đe doạ chính và không muốn Trung Quốc bị suy yếu quá mức
Matxcơva sau đó lại thăm dò lập trường của Washington. Le Figaro tiếp tục trích dẫn bài viết của tạp chí Trung Quốc, phân tích là Nixon nhìn Liên Xô như là mối đe doạ chính và không muốn Trung Quốc bị suy yếu quá mức. Ngoài ra, Tổng Thống Mỹ cũng lo ngại về tác hại của một chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân đối với số lượng 250.000 lính Mỹ đóng ở Châu Á vào lúc ấy.
Ngày 15 tháng 10, Kissinger cảnh cáo đại sứ Liên Xô là Hoa Kỳ sẽ không giữ thái độ trung lập trong trường hợp Liên Xô tấn công Trung Quốc, và Mỹ sẽ tấn công vào 130 thành phố của Liên Xô để trả đũa. Năm ngày sau thì Matxcơva bãi bỏ các kế hoạch tấn công Trung Quốc, và đàm phán được mở ra tại Bắc Kinh.
Theo Le Figaro, tạp chí Trung Quốc cho rằng sở dĩ Washington có thái độ cứng rắn của đối với Matxcơva, đó là vì Hoa Kỳ phần nào muốn trả đũa những sự cố xẩy ra 5 năm trước. Lúc ấy, Liên Xô đã từ chối đề nghị hợp sức với Mỹ để ngăn chặn việc Trung Quốc có bom nguyên tử. Liên Xô đã từ chối không tham gia vào một cuộc tấn công hỗn hợp, nhắm vào trung tâm thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc ở Lop Nor, vùng Tân Cương. Ông Nikita Krouchev đã đánh giá rằng chương trình của Trung Quốc không phải là một mối đe doạ.
Và ngày 16 tháng 10 năm 1964, Trung Quốc đã thành công trong cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên. Tổng thống Mỹ thời ấy là Lyndon Johnson đã đánh giá đó là ngày đen tối nhất đối với thế giới tự do. Theo Le Figaro, tạp chí Trung Quốc cũng nhắc lại là nước họ trước đó đã 3 lần bị đe doạ tấn công hạt nhân, nhưng mối đe doạ đến từ Mỹ : đó là trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, kế đến là trong cuộc đọ sức Trung Quốc - Đài Loan, hai năm 1955 và 1958.
Le Figaro nêu tên tác giả bài viết về thời Nixon, Liu Chenshan, ghi nhận là nhà nghiên cứu này không hề cho biết nguồn gốc các tài liệu mà ông tham khảo, và cũng công nhận là có nhiều chuyên gia không đồng ý với ông. Tuy nhiên theo Le Figaro, bài viết được đăng trên một tạp chí chính thức, do đó có thể nghĩ rằng tác giả đã được tham khảo những tài liệu đứng đắn, có thể tin cậy được. Bài viết của nhà nghiên cứu này đã được ‘’duyệt lại’’ một hay hai lần.