Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Vẻ vang dân Việt

From:ThieuVu* HoaiVu*Vu,KhanhH*TapchiQueHuong on line"                   
           Nhạc Sỹ Quách vĩnh Thiện
                 được mời làm Viện sĩ Hàn lâm Viện Âu châu
                           

Sau khi công trình sáng tác phổ nhạc 77 bài hát Kim Vân Kiều của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện được giới thiệu tại buổi trình diễn Musique des Mots et des Couleurs do Hàn lâm Viện Âu châu về Khoa học, Nghệ thuật, Văn chương tổ chức, Nhạc sĩ đã được mời làm thành viên của Hàn lâm Viện này
Ngày 28/11/2009, tại Thư viện Ba Lan, số 6 Quai d’Orléans, Paris 4è, trong khu Île de Saint Louis, một nơi nổi tiếng thanh lịch với khung cảnh đẹp bên cạnh Nhà thờ Đức Bà và bên bờ sông Seine thơ mộng, đã diễn ra buổi trình diễn Musique des Mots et des Couleurs do Hàn lâm Viện Âu châu về Khoa học, Nghệ thuật, Văn chương (L’Académie Européenne des Sciences, des Arts et des Lettres - European Academy of Sciences, Arts and Letters ) tổ chức.
Hàn lâm Viện Âu châu về Khoa học, Nghệ thuật, Văn chương có 54 quốc gia trên khắp thế giới tham gia và trong số các viện sĩ thì có tới 72 người đã được trao tặng giải Nobel.
Trong buổi trình diễn với 10 quốc gia tham dự này, có phần giới thiệu bằng Pháp ngữ công trình sáng tác phổ nhạc 77 bài hát Kim Vân Kiều của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện. Với một tiết mục tiêu biểu trong buổi trình diễn đó, nhạc sĩ đã đem truyện Kiều và nhạc cụ Việt Nam quảng bá tới bạn bè quốc tế. Sau buổi trình diễn, Quách Vĩnh Thiện đã được mời làm thành viên của Hàn lâm Viện này.
Một kỹ sư tin học say mê… âm nhạc
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện sinh năm 1943 tại Sài Gòn, là cựu học sinh của trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn. Sau khi đậu tú tài năm 1964, Quách Vĩnh Thiện sang Pháp du học. Ông là kỹ sư tin học do IBM France đào tạo, đã làm việc 41 năm trong lĩnh vực tin học cho đến lúc nghỉ hưu và liên tục trong 31 năm cộng tác với một hãng lớn về điện tử của Pháp (SOPRA GROUP) có hơn 12.000 kỹ sư. Hiện ông đang sống tại vùng phụ cận Paris .
Từ nhỏ, Quách Vĩnh Thiện đã có niềm say mê âm nhạc. Ông học Tây Ban cầm từ năm 6 tuổi cho đến 14 tuổi do nhạc sĩ Hoàng Bửu truyền dạy. Ngoài học Tây Ban cầm, Vĩnh Thiện còn học đàn Accordéon, Piano, Guitare Hawaienne, Mandoline, đàn bầu... Ông yêu thích và chơi được các thể loại từ nhạc cổ điển phương Tây cho đến Jazz, Rock & Roll. Trong thời gian học tại trường Pétrus Ký, Vĩnh Thiện là Trưởng Ban văn nghệ của trường, mỗi năm ban nhạc Pétrus Ký sang trường Gia Long đệm nhạc cho các cô học sinh Gia Long trong ngày phát phần thưởng cuối năm, trong đó có ca sĩ Hoàng Oanh. 15 tuổi, ông đệm đàn Tây Ban cầm cho những Đại Nhạc hội Âm Nhạc với các ca sĩ danh tiếng thời ấy như ban Thăng Long, Cao Thái, Thanh Thúy, Elvis Phương, Công Thành… Thời sinh viên ở Pháp, ông đệm đàn cho các ca sĩ Bích Chiêu, Tiny Yong… Là người có biệt tài lên dây đàn Piano và được công nhận là người có “lỗ tai tuyệt đối” (l’oreille absolue). Vào cuối thập niên 60, ông học nhạc tại Hàn Lâm Viện Pháp về Tây Ban cầm. Ông cũng sáng tác rất nhiều nhạc tình cảm như Paris tình nở, Gởi em lời nhung nhớ, Tình không phai, Paris mùa lễ hội, Nếu một mai mình xa cách. Ngoài ra, ông còn làm nhạc “Pop Music” như Living On Earth, Par Amour
Mong muốn dùng âm nhạc để bảo tồn thi ca Việt Nam
Công trình của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện gồm 77 bài hát Kim Vân Kiều  được thể hiện qua 7 CD:
CD1 - Trăm năm trong cõi người ta
CD2 - Bên tình bên hiếu
CD3 - Quyến gió rũ mây
CD4 - Tài tử Giai nhân
CD5 - Cá chậu chim lồng
CD6 - Hại nhân nhân hại
CD7 - Chữ Tài chữ Mệnh
Song song là 7 CD nhạc hoà tấu Kiều có tựa đề Le Destin từ 1 cho đến 7.
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết ông quyết định phổ nhạc những câu thơ trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du do một sự tình cờ. Trong tủ sách của ông có một cuốn sách là Kim Vân Kiều truyện đã bị hư hỏng, thấy vậy, Vĩnh Thiện đem dán lại bìa cho cuốn sách. Vừa làm, ông vừa nhớ lại ngày xưa đã từng đọc tác phẩm này, nghĩ về cuộc sống của chính mình bao nhiêu năm nơi xứ người “Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người”, ông xúc động và đồng cảm với những gì Nguyễn Du viết trong tác phẩm của mình. Vì vậy, ông quyết tâm phổ nhạc tác phẩm này. Ông hy vọng Truyện Kiều - tác phẩm đã được UNESCO xếp vào hàng tuyệt tác của nhân loại sẽ dễ cảm nhận hơn qua âm nhạc từ nhạc cổ truyền của dân tộc đến nền tân nhạc của các nước trên thế giới, và thế hệ sau sẽ có dịp thưởng thức thơ Kiều qua điệu nhạc, để tác phẩm này sống mãi với thời gian.
77 bài hát Kim Vân Kiều có thể nói là công trình để đời của ông, được ông bắt đầu từ năm 2005 - khi ông vẫn còn đang đi làm - và hoàn tất năm 2009. Trong vòng 5 năm trời, ông đã miệt mài phổ nhạc toàn bộ 3254 câu thơ của đại Thi hào Nguyễn Du. Điều đặc biệt là 77 bài hát mà ông vừa sáng tác vừa hòa âm cho trọn bộ tác phẩm của thi hào Nguyễn Du, qua nhiều thể loại âm nhạc - từ nhạc dân tộc VN đến nhạc mang âm hưởng tân thời của nhiều quốc gia trên thế giới - vẫn được tôn trọng giữ nguyên lời thơ của đại Thi hào, không thay đổi một chữ một lời.
Ngày 12/4/2009 - ngày ra mắt 7 CD phổ nhạc tác phẩm Kim Vân Kiều tại Học viện Âm nhạc Bussy Saint Georges (Conservatoire de Musique) - nhạc sĩ nhận được sự tán thưởng nồng hậu của cộng đồng người Việt, các ghế ngồi không còn một chỗ trống.
Giáo sư hàn lâm Lê Mộng Nguyên, cũng là nhà soạn nhạc nổi tiếng, tác giả bài hát “Trăng mờ bên suối“ nói về công trình này của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện: Truyện Kiều (3254 câu thơ) của Nguyễn Du do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc toàn bộ là một công trình vĩ đại, một sáng tác chưa từng có…
Nhà thơ Đỗ Bình, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn hóa Paris, cũng là nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài nhạc, khi phát biểu về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong ngày ra mắt CD Kim Vân Kiều tại Học Viện Âm Nhạc Bussy Saint Georges, đã nói: “..Thực hiện bản trường ca Đoạn Trường Tân Thanh, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật một hạt mầm để ươm thêm sắc màu cho muôn hoa. Và trong cõi bất tận của âm thanh, có những dòng nhạc khai phá sáng tạo của riêng anh. Đây cũng là tấm lòng bày tỏ sự ca ngợi thi phẩm và cảm ơn tác giả - thi hào Nguyễn Du - đã cho đời một tác phẩm hay và cho nhạc sĩ một nguồn cảm hứng phổ nhạc…”.
Được biết, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cũng hoàn tất vào đầu năm nay việc phổ nhạc một tác phẩm văn chương hy hữu khác của kho tàng văn hóa Việt Nam, đó là tác phẩm Chinh Phụ Ngâm với 512 câu thơ do bà Đoàn Thị Điểm chuyển thành thơ chữ Nôm. Lần này là 21 bài  phổ nhạc và vẫn giữ nguyên vẹn lời thơ như nhạc sĩ đã thực hiện cho Kim Vân Kiều.
Có thể nói việc làm của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện - người con xa quê nhưng không quên nguồn cội, đã thể hiện tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, dùng âm nhạc để tôn vinh các thi hào của đất nước, tôn tạo thêm vóc dáng của thi ca Việt Nam.
Dương Tiên (Theo Trọng Minh - Vẻ vang dân Việt)