Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

DUONG SINH

www.suckhoecaonien.com
"18 cách tập dưỡng sinh trên giường",
trích từ "Sinh mệnh tại ư vận động" trong sách dưỡng sinh cổ truyền của Trung Hoa.    BS. Nguyễn Đức Lê(SK&ĐS)                                               
 Phương pháp này có tác dụng lưu thông khí huyết, điều hòa âm dương, ích khí dưỡng huyết, hoạt huyết hóa ứ, do đó làm tỉnh đầu, sáng mắt, phòng chữa các bệnh ngũ quan, giảm bớt nếp nhăn trên mặt, làm cho da sáng, hồng nhuận, đàn hồi. Đồng thời có thể điều tiết chức năng thần kinh, làm cho tinh thần dồi dào, tư duy sắc bén, nhớ nhiều, ngủ tốt. Ngoài ra còn điều tiết chức năng các tuyến, giảm mỡ trong máu, phòng chữa bệnh tiểu đường và bệnh béo phì. Giúp tăng thêm công năng tim phổi, từ đó tăng thể chất, đạt mục đích phòng suy não, ích thọ diên niên. Xin giới thiệu cùng bạn đọc làm tài liệu tham khảo, vận dụng luyện tập để nâng cao sức khỏe.

1. Thở bụng 12 lần: Nằm ngửa, đầu, chân và lưng duỗi thẳng, 2 bàn tay đặt lên bụng. Thả lỏng toàn thân, từ từ hít vào, thở ra 12 lần bằng cơ hoành cách (không dùng cơ ngực).
2. Vuốt trán 20 lần: Nằm ngửa, 4 ngón tay của từng tay đặt lên hai huyệt ấn đường, vuốt dọc theo hai lông mày ra huyệt thái dương từ 3-5 lần, sau đó tay nhích lên phía giữa trán cao hơn lông mày vuốt tiếp, nâng tay dần cho sát đến mép chân tóc ở trán, sau đó lại hạ tay xuống dần cho đến lông mày thì thôi. Tất cả khoảng 15-20 lần vuốt.
Tác dụng: Tăng sự vận hành máu ở trán, giảm nếp nhăn trán, chữa chóng mặt, bệnh ở mũi.
3. Đẩy ngược hai má 20 lần: Nằm ngửa, 4 ngón tay kết vào nhau, ngón giữa day nhẹ huyệt nhân trung mấy lần, hai ngón giữa lại miết hai bên sống mũi lên đến huyệt tinh minh, toản trúc 5 lần, ngón giữa lại day huyệt thừa tương mấy lần, sau đó vuốt ra quá huyệt địa thương rồi lại vuốt đến phía dưới mắt, tất cả 5 lần, dùng cả bàn tay vuốt từ hai xương quai hàm dưới ngược lên 5 lần, cộng tất cả 20 lần.
4. Gập đầu về phía trước
Gập đầu về phía trước 6 lần: Nằm ngửa, hai tay ôm lấy sau gáy. Dùng lực kéo đầu gập về phía trước cho cằm chạm vào ngực, hơi dừng lại ở thời điểm đó. Làm 6 lần, dùng ngón giữa day huyệt phong trì và hai bên gáy, mỗi nơi 20 lần.
Tác dụng: Tập cổ, tăng cường công năng các cơ ở cổ làm cho khí huyết vận hành, phòng chữa các bệnh ở đốt sống cổ, vùng đầu tê các chi, đau ở vùng vai và hay bị cảm. Thính tai, sáng mắt, chữa các bệnh về mắt, tai và mũi.
5. Day huyệt phế du, xoa huyệt đại chùy mỗi bên 20 lần: Nằm ngửa, đầu tiên dùng ngón tay giữa ấn vào ngay sát dưới khớp đốt sống cổ thứ 7 (từ trên xuống), từ hai hõm vai tìm ra huyệt phế du ấn 20-30 lần. Sau đó, dùng tay trái, sau là tay phải, 4 ngón tay đặt lên vai, xoa xiên huyệt tại chùy 20-40 lần. Xoa cho phát nóng cục bộ thì kết quả rất tốt. Lại dùng gốc bàn tay trái đặt lên huyệt kiên tỉnh bên phải, đầu ngón tay giữa tìm huyệt phế du, day 30-40 lần, làm xong thay đổi tay phải, day sao cho phát nóng thì thôi.
6. Day huyệt tỳ du
Day các huyệt tỳ du, thận du, mỗi chỗ 15 lần:
Nằm ngửa, hai tay nắm lại, lót xuống dưới lưng cho mu bàn tay ở phía lưng, ban đầu đúng ở huyệt tỳ du (ngay phía dưới đốt sống ngực thứ 8 dịch ra 2 bên 1,5 thốn), sau đó chuyển tay tỳ vào huyệt thận du, hai đầu gối hơi vòng lên, lắc người qua phải, qua trái làm cho lưng lắc theo. Làm cho đến khi các huyệt trên thấy cảm giác mỏi. Nằm ngửa, chân duỗi thẳng, buông lỏng, bàn tay phải úp lên huyệt trung hoàn, tay trái úp lên huyệt khí hải. Tập trung chú ý vào huyệt khí hải (tức đan điền). Thở sâu, chậm và có nhịp. Dùng mũi hít vào bụng dưới phình lên rồi dùng miệng thở ra, bụng thót lại, hai bàn tay lên xuống theo nhịp thở.
7. Xoa cơ thăn ở thắt lưng 20 lần: Tư thế ngồi, đầu tiên lấy sống ngón tay cái xoa cơ thăn sát hai bên cột sống thắt lưng, sau đó xoa bằng lòng bàn tay cho vùng đó nóng lên (hình 9).
8. Xoa huyệt trung quản thuận và ngược chiều kim đồng hồ 50-100 lần: Nằm ngửa, bàn tay phải úp lên bàn tay trái, tay trái đặt lên huyệt trung quản (nằm khoảng giữa rốn và mỏ ác), ban đầu xoa ngược chiều kim đồng hồ 50-100 lần, sau đó lại đổi tay xoa thuận chiều kim đồng hồ 50-100 lần, cho đến lúc có cảm giác nóng thì tốt (hình 10).
clip_image001
                                 Dưỡng sinh trên giường
9. Day huyệt khí hải thuận, ngược chiều kim đồng hồ mỗi chiều 50-100 lần: Nằm ngửa, tay phải đè lên tay trái, đặt gốc bàn tay trái lên điểm giữa bụng, phía dưới rốn và khớp vệ là huyệt khí hải, day xoa ngược chiều kim đồng hồ 50-100 lần, rồi lại đổi tay xoa thuận chiều kim đồng hồ 50-100 lần. Xoa cho đến lúc cảm giác nóng thì tốt.
10. Day xoa hai huyệt chương môn, mỗi bên 20-30 lần: Nằm ngửa, hai mép ngón tay cái đặt lên cuối xương sườn 11 tức huyệt chương môn, đẩy về phía trước 20-30 lần, sau đó lại dùng các ngón tay miết xiên lên 20-30 lần vùng bẹn (hình 11).
11. Xoa bụng dưới: Nằm ngửa, 5 ngón tay hơi khép lại, sống bàn tay phía ngón út đặt lên hông ở vị trí phía trên mào chậu, đẩy xiên xuống phía dưới rốn, miết đi miết lại 20-40 lần. Nằm ngửa ngồi dậy 15 lần: Nằm ngửa, hai chân, hai tay duỗi thẳng, rộng bằng vai, thót bụng nâng đầu lên, lưng rời khỏi giường, ngồi lên, hai tay vươn dần về phía bàn chân, hai chân từ đầu đến cuối để im không nâng lên, tức chỉ dựa vào cơ bụng mà dậy (hình 12).
Tác dụng: Làm tăng công năng cơ bụng, cơ lưng, giảm mỡ ở bụng, chữa béo phì.
12. Ưỡn bụng 15-20 lần: Nằm ngửa, hai tay duỗi rộng bằng vai, hai chân nhô đầu gối lên, hơi giãn rộng, thở vào và nâng bụng dần lên, lúc thở ra hạ vai xuống dần.
Tác dụng: Điều chỉnh khí toàn thân, tăng công năng của cơ thắt lưng và giảm mỡ bụng, phòng và chữa béo phì (hình 13).
13. Gập từng đầu gối 10 lần: Nằm ngửa, từng chân gập đầu gối lên, hai tay bao lấy đầu gối, dùng lực níu đầu gối vào bụng, sau đó thẳng chân ra, đổi chân khác (hình 14).
Tác dụng: Làm dẻo đầu gối, tăng cường công năng cơ bụng, cơ đùi, phòng và chữa các bệnh vùng mông, vùng đùi.
14. Ngóc đầu ôm hai đầu gối: Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng sát nhau, hai tay duỗi thẳng, đầu, ngực và đầu gối cùng gập với nhau, hai tay ôm lấy đầu gối dùng lực gò vào sát bụng, sau đó duỗi thẳng hai chân. Làm đi làm lại 10 lần (hình 15).
15. Lăn lưng 6-12 lần: Nằm ngửa, động tác trên (ngóc đầu ôm gối) làm đến lần cuối cùng thì tay không thả đầu gối ra nữa mà cứ để người cuộn tròn như thế, lăn lưng bập bênh.
Tác dụng: Vận hành khí huyết toàn thân, tăng cường cơ bụng, cơ lưng, co duỗi; tăng cường công năng tứ chi.
16. Bắt chước đạp xe đạp 2-3 phút: Nằm ngửa, hai tay duỗi rộng bằng vai, hai chân nhấc lên như đạp xe đạp, đạp đi đạp lại (hình 16).
Tác dụng: Tăng cường công năng cơ thắt, cơ mông, cơ bụng và cơ đùi, dẻo các khớp, chữa bệnh viêm khớp, giảm mỡ bụng, thắt lưng, mông và đùi, chữa béo phì.
17. Nắn tứ chi, vỗ chi dưới: Nằm ngửa, tay này nắn cho tay kia từ vai đến đầu ngón tay, mỗi bên 6 lần. Sau đó ngồi dậy, mỗi tay nắn cho mỗi chân từ đùi đến gót mấy lần, xong vỗ từng chân từ trên xuống dưới 6-8 lần (hình 17).
18. Các động tác làm xong lại quay về động tác đầu, nhắm mắt, tập trung nghĩ vào huyệt đan điền.
Chú ý: Phương pháp này hợp với thanh niên, trung niên và người cao tuổi. Trước khi ngủ làm một lần từ 20-30 phút.
Đối với người tăng huyết áp, bệnh tim nặng hoặc người cao tuổi thì không nên làm động tác lăn lưng và bắt chước đạp xe đạp.
Trong thập bát pháp không bắt buộc phải làm đầy đủ các động tác hay số lần làm mà phải căn cứ vào tình hình sức khỏe để gia giảm.
Mới tập, động tác phải nhẹ nhàng, tập trong thời gian ngắn, không để mệt quá. Về sau có thể tăng dần số động tác, số lần hay thời gian.
Kiên trì tập sẽ bớt béo, cũng có thể giúp người gầy tăng thể trạng.
BS. Nguyễn Đức Lê (SK&ĐS)