Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

GƯƠNG PHẤN ĐẤU

From: Ngoc san Pham*ngoc *phuochung*sinhdangh


Tony Nguyễn: Họa sĩ vẽ bằng miệng, dùng máy tính bằng đầu




Tony Nguyễn (giữa), bị liệt toàn thân, với tác phẩm “Vô Ðề” đoạt giải độc đáo trong cuộc thi vẽ bìa báo Xuân Việt Tide 2010. Bên trái là ông Na Nguyễn, giám đốc Garden Park, và cô giáo dạy vẽ Elizabeth Phạm Thu Hải. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

GARDEN GROVE (NV) – Hình ảnh người họa sĩ tật nguyền ngồi trên chiếc xe lăn với lằng nhằng dây nhợ gắn liền với những bộ phận trên cơ thể khi lên nhận giải thưởng cho một tác phẩm của mình đã khiến tôi chú ý.
Thêm vào đó, giọng nói ngập ngừng, chậm chạp, đứt quãng, khó khăn, pha trộn tiếng Việt và Anh của người họa sĩ càng thôi thúc tôi phải tìm hiểu câu chuyện về tác giả của những bức tranh được vẽ bằng miệng.
Người họa sĩ đó là Tony Nguyễn, 32 tuổi.
“Ba đã mua sẵn đất trong nghĩa trang cho Tony”
Tôi tìm đến ngôi nhà Tony đã ở hơn 11 năm qua, viện an dưỡng Garden Park.
Tony nằm trên giường, chiếc cọ vẽ ngậm trên miệng như đang múa trên giá vẽ được kê ngay tầm.
“Em đang vẽ cảnh một thành phố ở Italy,” Tony trả lời câu hỏi của tôi sau khi cô giáo dạy vẽ giúp Tony lấy chiếc cọ ra khỏi miệng.
“Ðã bao giờ Tony đến Ý chưa?” – “Chưa. Em xem những bức hình rồi tự sáng tạo thêm.” Sợ tôi không nghe rõ được giọng nói khó khăn của mình, Tony chậm rãi nhắc lại một lần nữa câu trả lời.
Tự nhận mình chỉ có khả năng nghe nói tiếng Việt được 40%, Tony trò chuyện với tôi bằng cả hai ngôn ngữ.
Tony sanh ra trong gia đình có 4 chị em, “Em có chị lớn, còn em là con trai lớn.”
Tony theo ba và bác đi vượt biên hồi nhỏ xíu, “lúc mấy tuổi em cũng không nhớ nữa.” Hiện giờ ba Tony đã trở về Việt Nam sống, mẹ vừa được chị bảo lãnh sang Mỹ cách đây hai năm.
Từ từ, chậm rãi, rất lễ phép, Tony lần lần nói tôi nghe những điều tôi muốn biết. Tony nói tiếng Việt, chỗ nào nghe tôi hỏi lại, Tony lại trả lời bằng tiếng Anh, cho chắc ăn!
medium_DP_Tony_2.JPG
medium_DP_Tony_5 Final1.jpg
Ngập ngừng, dè dặt một lúc lâu, tôi nêu thắc mắc của mình, “Lý do nào Tony vào đây?”
“Em bị xe đụng.” – “Khi đó, Tony bao nhiêu tuổi?” – “Em 19 tuổi, đang là art technician.”
Tôi nhìn vào gương mặt Tony. Tony nhìn tôi. Tôi cố nén một tiếng thở mạnh bằng cách cắn nhẹ môi mình.
19 tuổi. Một cú đụng xe. Chấn thương cột sống. Liệt cả người từ cổ xuống chân. Còn gì nghiệt ngã hơn?
Ông Na Nguyễn, giám đốc Garden Park, cho tôi biết, “Ba Tony, khi ấy, đã mua sẵn miếng đất làm nơi chôn Tony trong Peek Family.”
Chỉ vậy, đủ cho tôi hình dung những gì mà Tony đã trải qua. Ðau đớn. Tàn khốc.
Cả người Tony, giờ đây chỉ còn hoạt động được ở mỗi cái đầu. Có điều, đó không phải là một cái đầu bình thường.
Người họa sĩ vẽ bằng miệng
“Em ở Garden Park 11 năm. Trước khi vào đây em nằm ở bệnh viện gì, em quên tên rồi.” Không đợi tôi hỏi, Tony tiếp tục nói chầm chậm, “Ở đây vui, y tá tốt lắm, chú Na cũng tốt. Everybody is good.” Tony vừa gật gật cái đầu và chớp mắt để diễn tả cho trọn vẹn chữ “is gooood.”
Tôi bỗng nhận ra Tony có cách nói chuyện rất hay, đặc biệt, khiến người ta phải bật cười.
Tony học vẽ đã 5, 6 năm nay, đầu tiên với một cô giáo người Mỹ. Tôi không có điều kiện gặp bà giáo để hỏi xem bà đã hướng dẫn Tony như thế nào trong những bước chập chững đầu tiên làm người họa sĩ vẽ bằng miệng.
Tôi chỉ có dịp nói chuyện với cô Elizabeth Phạm Thu Hải, cô giáo thứ hai dạy vẽ cho Tony, bên cạnh cô giáo người Mỹ.
Cô Elizabeth kể, “Tôi dạy cho Tony được 2 năm. Mộng của những người họa sĩ như tôi đều muốn được dạy vẽ ở những trường lớn, học lên cao. Nhưng từ khi gặp Tony thì tất cả đều đã thay đổi.”
Cô Elizabeth nói Tony đã là một họa sĩ trước khi cô bắt đầu dạy Tony. Hằng tuần cô chỉ đến để ‘mix’ màu, thảo luận về những bức tranh, đưa ra ý kiến, “còn mọi sự là Tony quyết định.”
Tony nhờ cô lấy màu vàng và trắng để tiếp tục bức tranh đang vẽ dở dang. Cô hỏi, “Tony muốn vàng chấm trắng hay vàng hòa với trắng?” rồi “Tony muốn cọ loại nào?” Lấy cọ và màu theo đúng ý họa sĩ, cô đưa cọ vào miệng Tony.
Tony ngậm chiếc cọ trong miệng một cách vững chãi, hơi ngốc đầu cao lên để điều khiển cọ uốn lượn trên bức họa của mình một cách tự tin, nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát.
Tôi tự hỏi cần phải mất bao nhiêu thời gian để có thể làm được như vậy nhỉ?
Hết cọ nhọn, lại đến cọ nhỏ. Hết nâu nhạt, xanh lợt, lại đến “only water.” Người họa sĩ vẽ bằng miệng ra “order,” cô giáo hỏi lại cho thật đúng ý. Tony lễ phép, nhẹ nhàng. Cô ân cần, tỉ mỉ. Nhìn cách cô giáo và Tony làm việc với nhau một cách nhịp nhàng, ăn khớp, tôi lại nhớ đến điều cô Elizabeth nói, “Không chỉ là chuyện dạy vẽ cho Tony, mà khi làm việc với Tony, tôi cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy có sự hòa quyện giữa tình cảm và công việc dạy học. Ðiều này trước đây tôi chưa cảm nhận được. Nói đúng hơn, Tony đã làm thay đổi cuộc đời tôi.”
Tony có những khả năng đặc biệt kỳ lạ về hội họa, bên cạnh một ý chí, nghị lực và niềm tin yêu vào cuộc sống. Tranh vẽ của Tony là sự hòa trộn của cả hai trường phái Ðông Tây. Mỗi bức tranh của Tony là một câu chuyện, những câu chuyện bằng màu sắc.
Trước khi bị tai nạn, Tony đã mong muốn mình trở thành một họa sĩ. “Hiện giờ em đang là hội viên của một hội cũng bao gồm những người vẽ bằng miệng. Em tìm ra hội đó trên website, xin gia nhập và gửi tranh sang đó cho họ triển lãm,” vẫn bằng giọng nói từ từ Tony khoe với tôi.
“Tony tìm ra trên website là sao? Tony có thể sử dụng máy vi tính?”
“Em biết sử dụng máy vi tính.”
Sử dụng máy vi tính bằng… đầu
Ðiều làm tôi kinh ngạc hơn cả chuyện Tony vẽ bằng miệng là cách mà Tony sử dụng máy vi tính.
Trước khi trở thành một họa sĩ, Tony trải qua 15 tháng học sử dụng máy vi tính bằng… đầu.
“Chị có thấy cái sticker phía trước nón em không? Em xài cái đó để điều khiển computer. Nó là cái sensor.”
Ra là vậy. Thảo nào tôi tự hỏi tại sao Tony lại cứ luôn đội nón ngay khi đang nằm.
“Tony có thể làm gì trên máy tính?”
“Em đã học graphic design. Em làm phim, edited phim.”
Thấy tôi trợn tròn mắt, Tony cười đắc ý, “Nothing is impossible. Mình muốn là được à!” Tôi cười nhìn Tony lắc đầu nói nhỏ, “Không tin được!” – “Nothing is impossible.” Tony khẳng định lại một cách đầy tự tin.
Tony cho tôi xem cách Tony sử dụng máy tính.
Cũng như chiếc giá vẽ, chiếc máy tính được đặt vừa tầm sử dụng cho Tony. Tôi nhìn vào màn hình, thấy hình mũi tên chạy tới lui trên đó, như thể mình đang nhấp “mouse.” Ðầu Tony nhúc nhích nhẹ nhàng để điều khiển mũi tên đó theo ý mình.
“Ai chỉ Tony sử dụng cái đó?” – “Em đi học, rồi em nói social worker em cần cái sensor để điều khiển.” – “Tony nói rồi người ta làm cho Tony hả?” Tôi tò mò hỏi. Ai ngờ, Tony vừa trả lời vừa cười như chọc quê tôi, “Người ta không có làm. Em nói người ta đi mua.” A, ra là vậy.
Nhưng tôi cứ thắc mắc, “Ai gợi ý cho Tony dùng cái sensor đó như một con mouse?” “Em nghĩ ra và em nói với người ta.”
Tony cho tôi xem phim Tony làm. Giống một kiểu phim hoạt hình. Trong đó một cậu bé đang vẽ mê say theo tiếng nhạc rộn rã. “Em làm phim ‘Tony đang vẽ’.”
Thấy tôi cứ xuýt xoa, “Làm sao mà Tony có thể làm được kia chứ?” Tony cười hiền lành, “Mình muốn là được. Nothing is impossible. Nothing is impossible.”
“Em làm nhanh lắm đó, ‘faster, high speed,’ trong một tiếng. Hồi trước có cái em làm mất hai tiếng, bây giờ thì có bảy phút thôi,” Tony thích thú khoe tiếp khi thấy sự thán phục qua vẻ mặt tôi.
Tony dùng computer để “làm phim, graphic, art, nghe nhạc, coi phim, làm mọi thứ.”
“Thế có chat được không?” – “Không có chat, chỉ gọi điện cho bạn.”
Tôi hỏi, “Tony có thể điều khiển sensor như trên một bàn phím?” Tony bảo, “Ðược, nhưng trước đây thôi. Bây giờ em set up chương trình ‘voice recognition,’ nó chỉ làm sao em làm theo nó. Thành ra bây giờ em muốn viết thơ thì em nói rồi nó viết cho em, em nói nó in ra.”
Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Tôi nhìn Tony say sưa ngó vào máy tính, chuyển từ chương trình này sang chương trình khác, từ edit phim, sang yahoo, vào youtube, gọi phone, như thể người ta đang nhẹ nhàng “nhấp chuột” vậy.
Làm sao có thể làm được tất cả những điều đó chứ! – “Mình muốn là mình làm được thôi à!”
Vẫn bằng giọng nói rất đặc biệt của mình, Tony tiếp, “Lúc đầu mới sử dụng mệt lắm, mệt lắm. Giờ thì em control very well. Lúc đó học mệt, nhưng mình thích và thấy mình thành công nên mê.”
“Nothing is impossible. Mình muốn là được à!”
“Bây giờ Tony còn theo học vi tính nữa không?” – “Bây giờ em không học nữa. Mệt quá. Ði không nổi.” Tony cười thú nhận.
Ðể có thể cho Tony theo học vi tính bên ngoài trong suốt một thời gian dài như vậy là cả một sự hỗ trợ với công sức của nhiều người. Chỉ hình dung cách đặt Tony lên xe lăn, rồi đưa ra ngoài, rồi cho Tony lên xe hơi, chở đến trường, cho Tony lên xe lăn trở lại, đưa vào lớp.
Ðâu chỉ dừng lại ở đó, làm sao để một người chỉ còn nhúc nhích được cái đầu điều khiển chiếc máy tính như một người bình thường, có phải là chuyện nhỏ?
Một kỳ công.
Ý chí và nghị lực của Tony là vô cùng, nhưng tình cảm của mọi người ở Garden Park đối với Tony cũng không bờ bến.
“Cho đến bây giờ, Tony vẫn là đứa nhỏ nhất ở đây, trong viện dưỡng lão này. Nên mọi người ai cũng thương Tony hết. Lại thêm Tony quá thông minh, dễ thương và lễ phép nữa,” ông Na Nguyễn, giám đốc Garden Park nói. “Tôi xem Tony như con cháu mình vậy.”
“Lúc đầu vừa mới bị tai nạn, Tony có cảm thấy chán ghét cả thế giới này không?” Tôi hỏi
“Có.” Tony trả lời. “Khi tỉnh lại, em cảm thấy không còn muốn sống nữa. Nhưng rồi em nghĩ nếu em không vượt qua, giận dữ hết mọi điều thì mình sẽ không sống được.”
“Tony mất bao lâu để thay đổi được suy nghĩ đó?”
“Lâu đó. Khoảng 6 năm. Bây giờ thì em đã nghĩ khác hoàn toàn rồi. Có lúc cũng buồn nhưng không buồn lâu,” Tony nói với tôi, hay như đang nói với chính mình.
Bằng giọng đầy tình cảm, Tony tiếp, “Bây giờ, em nghĩ mọi việc đã tốt hơn, bởi em thấy em cần cố gắng sống vui vẻ. Em có nhiều bạn lắm, bạn tốt. Có thầy giáo, có những người trợ giúp, ai cũng thương em. Em cũng thương mọi người.”
Tôi hỏi có bao giờ Tony giận ai không. Tony kéo dài chữ “nooo.” “Em luôn tha thứ. Mình giận ai chỉ khổ cho mình thêm.”
Tony nói tôi nghe Tony luôn làm mọi thứ cho cuộc sống Tony luôn bận rộn, như nghe nhạc, làm phim, edit phim, xem phim, vẽ tranh. “I do everything and make my life’s always busy.”
“Tony có ước mơ gì không?”
“Bây giờ em chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành một họa sĩ thế giới. Em đang cố gắng hết mình để biến ước mơ của mình thành sự thật, trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Nothing is impossible.”
“Ðó là ước mơ của em và nothing can stop me, không gì có thể ngăn em được.”
Tôi ra về, mang theo tiếng cười giòn tan của Tony Nguyễn, người họa sĩ vẽ bằng miệng, sử dụng máy vi tính bằng đầu, cùng câu nói, “Nothing is impossible, không điều gì là không có thể.”
Chỉ với mỗi cái đầu, nhưng Tony đã biết dùng cái đầu đó để thực hiện, những hoài bão, những ước mơ, những đam mê, và hơn hết, để suy nghĩ những điều nhân bản nhất.
Nhìn Tony, tôi bỗng thấy cuộc đời này, đáng yêu và đáng sống biết bao.